LÀNG TÔI
CHUYỆN THẬT NHƯ ĐÙA
Tặng các thế hệ bạn đọc làng Động Phí của tôi
I. Phát hiện có tính khảo cổ: Làng Động Phí có tên ở Văn Miếu -
Quốc Tử Giám
Sự kiện Cristốp Côlông phát hiện ra Châu Mỹ chắc cũng chỉ bằng việc
tôi phát hiện ra cái tên Động Phí quê tôi được khắc trên bia đá Văn Miếu -
Quốc Tử Giám là cùng. Chắc chắn tôi là người đầu tiên “phát hiện” ra sự
kiện này. Tất nhiên, chẳng phải tôi giỏi giang gì. Chữ Nho tôi mù tịt. Số
người đọc được văn tự Hán Nôm ở làng tôi đã lần lượt quy tiên cả rồi.
Ngay như thầy tôi, một “trí thức” làng, từng đọc “Kim Vân Kiều truyện”
bằng chữ Nôm cho tôi nghe ngày tôi còn bé dại, lại thường hay ra Hà Nội,
vậy mà không hề biết rằng Động Phí quê tôi lại được vinh hạnh khắc tên
trên văn bia tiến sĩ.
Số là, tôi có người bạn vong niên là nhà văn Nguyễn Quang Lộc, hiện
đang giữ chức “quan Tế Tửu” (một cách gọi đùa của cánh nhà văn) trông
coi Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Hồi dựng dãy nhà bia, anh Lộc cho dịch
toàn bộ tên các tiến sỹ ra chữ Quốc ngữ và khắc chữ trên đá, đặt tại hai nhà
bia tả hữu. Tôi đến dự khánh thành và bàng hoàng phát hiện ra tên làng
mình được khắc trên tấm bia tiến sỹ thời Lê. Đó là khoá thi năm Bính Tuất,
niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 (1766). Khoá thi này có 11 người đỗ, không
có Trạng Nguyên, trong đó chỉ có một Đệ Nhị giáp tiến sĩ xuất thân là Ngô
Thì Sĩ người Tả Thanh Oai, một trong những sáng lập viên của Ngô Gia
Văn Phái. Tiếp đến là mười người đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân,
đứng thứ ba hàng Đệ Tam giáp là Đặng Dụng Chu, người xã Động Phí,
huyện Sơn Minh.
Huyện Sơn Minh thì đúng là tên cũ của huyện Ứng Hoà tỉnh Hà Tây quê
tôi rồi. Nhưng còn Động Phí? Sao không phải là thôn mà là xã Động Phí?
Tôi thoáng nghi ngờ. Có sự lầm lẫn nào chăng? Cái làng Động Phí của tôi,