cả cái xã Phương Tú của tôi nữa, từ xưa chưa hề là đất học. Sát xã tôi, trên
Vân Đình, xưa có Dương Khuê, Dương Lâm. Trên Liên Bạt liền đó có
Nguyễn Thượng Hiền và dòng họ Bùi của Thượng thư Bùi Tuấn, Bùi Thận,
Bùi Bằng Đoàn. Thời cách mạng, bao tướng tá, bộ thứ trưởng lại tập trung
dưới Khu Cháy. Người làng tôi cấp bậc cao nhất chỉ đến hàm trung tá về
hưu và trưởng phó phòng làng nhàng. Mặt bằng dân trí, quan trí như thế, lẽ
nào lại được ghi tên vào Văn Miếu? Nhầm. Chắc là nhầm to rồi.
Tôi phóng xe về làng hỏi ngay ông bác ruột tôi, một cụ già ngoài thất
thập, về ông tiến sĩ Đặng Dụng Chu. Bác Nam tôi (mất năm 2001, thọ 83
tuổi), bảo:
- Ông tiến sĩ Đặng Dụng Chu thì bác không thấy nói đến. Chỉ biết ngày
xưa làng ta là xã Động Phí. Xã Động Phí trước có 3 thôn: Nguyên Xá,
Động Phí, Ngọc Động, thuộc tổng Đạo Tú, phủ Ứng Hoà. Sau cách mạng
gộp thêm các thôn Hậu Xá, Dương Khê, Phí Trạch thuộc tổng Phương
Đình, thành xã Phương Tú bây giờ.
- Con nhớ ra rồi - Tôi nói - Hồi thầy con còn sống, ngày giỗ tết, ông cụ
vẫn thường khấn: Việt Nam quốc, Hà Đông tỉnh, Ứng Hoà phủ, Đạo Tú
tổng, Động Phí trung thôn…”
Ngày xưa Ứng Hoà còn có tên Sơn Minh và Ứng Thiên. Làng ta không
có họ Đặng. Nhưng trên Nguyễn Xá, họ Đặng là to nhất - Bác Nam tôi
giảng giải - Hình như trên ấy có một ông Nghè. Mộ ông Nghè này còn ở
chỗ trường cấp I. Chắc ngày ông xưa đất của ông Nghè ở làng mình. Động
Phí mình vẫn còn khu đất Dinh ở cửa đình nhìn sang, có dạo huyện lấy xây
dựng kho giống, nay chia cho dân hai thôn Nguyễn Xá, Động Phí làm nhà.
Ngay đầu nhà cháu, ngày trước có thẹo đất gọi là Miếng Ấn, có doi đất đâm
ngang sang Dinh gọi là Ông Bút. Làng mình xưa phát về bút nghiên. Từ
ngày lấp con long mạch chạy từ Nguyễn Xá xuống để làm chợ Mới, nghiệp
văn chương, quan lộc của làng mình bị triệt…
Những giảng giải của ông bác ruột giúp tôi khẳng định rằng tiến sĩ Đặng
Dụng Chu chính là người thôn Nguyễn Xá xã tôi, rằng Động Phí quê tôi