"độc" hai vợ theo đúng quy ước ngầm của cánh thợ xẻ làng. Một vợ do bố
mẹ dạm hỏi và một vợ "dắt về" trong thời gian đi xẻ. Lạ thế, hai bà sống
chúng với nhau trong một nhà, bà cả chín đứa, bà hai hai đứa, vậy mà suốt
ngần ấy năm tịnh không xô xát, điều tiếng gì. Anh hiền là một người đàn
ông giỏi phép gia phong, lại công tâm, công bằng trong cách đối xử, nên
được vợ con yêu kính, nể trọng.
Khi nghề cưa xẻ thoái trào, anh Hiền lập tức xoay ra nghề thả cá rồi ấp
vịt. Mười một đứa con, tạo thành một đạo quân đông đúc và hùng hậu, mỗi
đứa dẫn đầu một đàn vịt trăm con dàn khắp các cánh đồng. Người khác mở
lò ấp cao nhất chỉ đạt bảy mươi phần trăm, anh ấp đảm bảo nở đến chín
mươi phần trăm. Từ chỗ ấp vịt con, anh xoay ra ấp trứng vịt lộn để cung
cấp cho thị trường Hà Nội. Lãi gấp đôi.
Nhưng rồi bãi chăn thả vịt hẹp dần. Hoá chất, thuốc trừ sâu đã giết sạch
các loại tôm tép, côn trùng. Bốn thằng con trai lần lượt đi bộ đội. Những
đứa khác làm giáo viên, công nhân Sông Đà. Anh Hiền đành cố thủ mở một
lò ấp tại nhà để giữ nghề.
Anh có cô gái út tên Sợi, ham làm giống mẹ, cao to giống bố, đi công
nhân thợ điện Sông Đà, lấy một anh lái xe KAMA người Nam Định. Họ
cưới nhau vào thời hậu Sông Đà, có con khi một vạn công nhân Sông Đà
hết việc, một số phải giảm biên, một số phải vào Yaly để xây công trình
thuỷ điện mới.
Sợi về quê chồng đẻ con. Hai vợ chồng làm tạm một gian nhà tranh
ngoài vườn, nhận một mẫu ruộng khoán, làm quần quật từ sáng tinh mơ tới
mờ đất mà vẫn không đủ ăn. Anh Hiền quyết định điều Kiu, con trai thứ
hai, một chuyên gia ấp vịt, xuống giúp em gái và em rể mở lò ấp trứng. Dần
dần lò ấp vịt của Ninh và Sợi trở thành một cơ sở tiếng tăm nhất vùng. Tiến
tới, Sợi quyết định buôn tận gốc, bán tận ngọn. Hàng ngày, theo xe hàng,
Sợi mang trứng vịt lộn từ Nam Trực, Nam Định lên Hà Nội, bỏ mối cho
từng cửa hàng bán lẻ. Rồi huy động cả các chị em trong quê Động Phí như
Mão, Vải cùng ra Hà Nội bỏ mối trứng vịt lộn. Chỉ trong vòng 5 năm, bằng