nghề trứng vịt lộn, vợ chồng Ninh - Sợi đã xây được nhà ngói, sân gạch và
nuôi chạy hai đứa con một cách sung túc.
Nhưng rồi tai nạn ập đến. Một lần chiếc xe khách chở chất ngất mười sọt
trứng cùng với Sợi và ba mươi tám hành khách từ Nam Trực lên đến Bình
Lục thì bị đổ. Một người chết. Hàng chục người bị thương trong đó có Sợi,
và tất nhiên ba nghìn quả trứng trị giá ba triệu đồng - tất cả vốn liếng của
Sợi, bị giập vỡ tan tành.
Nửa tháng nằm viện, Sợi bị sút đi mười cân. Ra viện, ngẩn ngơ hàng
tháng trời. Tiếc của thì ít mà sợ không dám đi những "chuyến xe bão táp"
đầy bóng đen tử thần thì nhiều. "Hay là chúng mình chuyển sang nghề làm
phở" - Sợi bàn với chồng. Ninh bảo: "Ngày xưa bố có nghề làm ở ở Hà
Nội. Nhưng cụ về quê lâu rồi". Sợi hỏi chuyện bố chồng. Mới hay ông Vũ
Đông Hàm đã từng phụ giúp cho một người Tàu làm phở, rồi chính ông
xoay sang làm phở gánh, phở đẩy ở phố Hàng Mành. Người Giao Cù,
Đông Sơn, Nam Trực quê ông làm nghề phở ở Hà Nội khá đông, hình
thành một trường phái phở Nam Định, có thể coi như một nghề gia truyền.
Thế là Sợi và Ninh quyết định gửi con cho ông bà ngoại, kéo nhau ra Hà
Nội thuê nhà, mở hiệu phở.
Cửa hàng phở của Sợi có tên Lộc Ninh, gọi ghép tên con và tên chồng.
Do Ninh hoàn toàn nắm được bí quyết của bố truyền lại: Cách ninh xương
bò, cách pha mắm muối, gia vị, cách làm nước phở, cách thái, trần thịt...
hiệu phở của họ ngày một đông. Từ lúc làm chục cân một ngày, nay có
ngày làm đến tạ bánh, năm chục cân xương, vài yến thịt bò.
Theo Sợi, các anh trai, em trai, chị gái, anh chị em họ lục tục từ quê
Động Phí ra.
Họ vừa phụ giúp, vừa học nghề. Các hiệu phở gia truyền Động Phí với
các ông bà chủ: Kiu, Ky, Lý, Văn, Vải, Sử, Pha, Noãn, Mão, Toán... lần
lượt ra đời, tạo thành một tập đoàn phở gia truyền làng Động Phí ở Hà Nội.
Tôi xuống thăm Sợi khi hai vợ chồng vừa khánh thành ngôi nhà ba tầng
ở sau phố Lạc Trung. Sợi bảo: "Làm phở ba năm cháu mua được sáu mươi
mét vuông đất. Làm tiếp hai năm nữa cháu xây được ngôi nhà này".