công an Hà Nam. Nhưng khi lệnh bắt khẩn cấp X. được phát ra thì X. đã
cao chạy xa bay.
Vậy là nghiễm nhiên T. trở thành tội phạm trong một vụ án vận chuyển
ma tuý. Cuộc hoàn lương vừa chớm tia hy vọng, nào ngờ móng vuốt nàng
tiên nâu lại vây bủa, dẫn T. vào tù. Có người bảo: "Từ hai chục năm nay,
ngày nào làng tôi cũng có người ngồi tù".
Nhiều người lại bảo: "Nhưng chưa bao giờ làng Động Phí mình lại mở
hướng ra khắp các tỉnh Bắc Trung Nam, nhất là mở hướng ra Hà Nội nhiều
như bây giờ. Thôi thì đủ thứ nghề: mộc, xây, trộn bê tông, cho thuê cốp
pha, làm nhôm kính, kỹ sư, dạy học... Đến khó như nghề phở mà Động Phí
cũng có hơn chục hiệu phở gia truyền ở Hà Nội nữa là...
VI. Từ trứng vịt lộn... đến phở gia truyền...
Trở lại câu chuyện phở gia truyền.
Thuyết phục mãi mà tôi vẫn không tin, Mão, bà chủ hiệu phở gia truyền
ở cửa Chùa Hà liền bảo:
- Người có công đầu mang nghề phở về làng ta là chị Sợi, con bác Hiền.
Bác Hiền gái là chị ruột bố chồng em. Bọn em đều theo học chị Sợi rồi tự
thuê nhà, mở cửa hiệu. Anh muốn biết nghề phở gia truyền làng ta bắt đầu
từ đâu cứ xuống hỏi chị Sợi.
Theo lời chỉ dẫn của Mão, tôi tìm đến hiệu phở Lộc Ninh giữa phố Lạc
Trung, Hà Nội.
Sợi là con gái thứ chín của anh Hiền, một trong "tứ hùng" của làng tôi
thời thịnh phát nghề cưa xẻ. Nếu theo về ngoại, tôi phải gọi anh Hiền bằng
chú. Nhưng đằng nội, cấp bậc anh Hiền chỉ ở hàng anh, một ông anh họ,
thuộc chi trên. So với anh Bích, anh Hiền không thua kém về mặt đào hoa.
Ngày còn trai trẻ, anh thuộc loại điển trai, lại có tài hát cải lương, hát chèo.
Hồi mới vào hợp tác xã, đội văn nghệ làng tôi vào loại nhất huyện. Anh
Hiền chuyên đóng kép chính với những vai Trần Sỹ Mỹ, Phạm Tải, Kim
Nham trong các vở cải lương, vở chèo nổi tiếng. Là người thường được phụ
nữ yêu thầm nhớ vụng, nhưng anh không năm thê bảy thiếp, mà chỉ có