một tuổi thơ đầy nhọc nhằn vất vả. Thế rồi, như có phép lạ, cả hai đều lớn
vồng lên, cùng theo đội quân thợ xẻ cuối cùng của làng lên rừng. Ấy là
những năm 88-90, chỉ trong vòng 3 năm, cả hai anh em đều tự xây được
nhà, lấy được vợ, yên bề gia thất. Chị Ba thường khoe với tôi: "Từ ngày các
cháu nó khôn lớn, chị đỡ vất vả. Trong hai thằng, thằng T., anh cả có chí
lắm cậu ạ. Đi xẻ không có việc, cháu chuyển sang học xây, học mộc. Tự
làm được nhà, tự mua được xe máy nữa cậu ạ". Chưa kịp mừng cho chị,
mấy tháng sau về, đã nghe u tôi kể: Thằng T. sa vào cờ bạc đề đóm hay hút
hít thế nào mà phải bán cửa nhà xe máy để gán nợ, con ạ. Khổ thân cô Ba,
lại lộc cộc với cái xe bò lên ở nhờ nhà Chiến.
Tôi xuống nhà Thanh. Vợ Thanh đi rang mẻ lạc, hai đứa nhắm rượu,
Thanh bảo:
- Thằng T. bị thua một quả đề, sạt nghiệp. Chán nản, con giời có nguy cơ
lại sa vào nghiện hút. Không triệt được mấy ổ thuốc phiện thì hỏng hết
thanh niên. Từ Vân Đình kéo xuống khu Cháy, một đường dây thiên lạ địa
võng của nàng tiên nâu đã giăng bẫy cả rồi. Vân Đình bây giờ có khác gì
Hà Nội. Đủ cả tiệm vàng bạc, Karaokê, hớt tóc máy lạnh, nhà nghỉ,
Internet, vi tính, hiệu may thời trang...
- Nhưng thú vị nhất là Vân Đình đang biến thành một trung tâm ẩm thực
- Tôi nói - Khách chùa Hương về, thường đỗ xe kín phố để thưởng thức các
món cháo vịt, vịt nướng, giò chả Vân Đình.
- Và thịt chó Vân Đình thì đã từng xuất khẩu ra Hà Nội. Sau khi lễ chùa
Hương về, khách thường qua Vân Đình ăn thịt chó để giải hạn. Nếu ví Vân
Đình là Hà Nội, thì Động Phí ta giờ cũng ngang với Hà Đông...
Tôi gật gù. Đúng, làng tôi đã đô thị hoá một cách chóng mặt. Từ Chợ
Mới xuống cửa Đình đã mọc lên một dãy phố. Đêm đến đèn điện sáng
trưng. Cháo lòng tiết canh, thịt vịt, thịt cầy, bia hơi, bàn bi-a, phòng chơi
điện tử... mở đến đêm khuya.
- Đô thị hoá là thước đo trình độ văn minh của làng - Tôi nói - Chỉ có
điều phải hướng mọi sinh hoạt vào mục đích phát triển kinh tế xã hội và vui