Có một tốp thợ xẻ mở hướng vào Nam, mang cưa và đồ nghề đi tiền
trạm vào tận các tỉnh Sông Bé, Lâm Đồng. Gặp đất phương Nam màu mỡ,
thợ xẻ ta xoay hướng, về bán cơ nghiệp đưa bầu đoàn thê tử vào Nam. Đợt
đi đầu tiên, bắt đầu từ năm 1985 với gần chục gia đình. Sau đó, lần lượt
hàng chục gia đình khác kéo nhau vào Bảo Lộc, Lâm Đồng, mua đất trồng
dâu, trồng cà phê. Cho tới nay, đã có tới một phần tư làng Động Phí lập ấp
ở phương Nam. Tôi nhớ mãi một đêm mưa 16 năm về trước. Vợ chồng
Hoán, con ông chú ruột tôi dắt bốn đứa con lếch thếch ra Hà Nội, tìm đến
nhà tôi. "Vợ chồng em đi cao su Phú Giềng bác ạ - Hoán bảo- Cùng đi với
chúng em còn có bác Hiển, cô Hải và ba gia đình nữa. Em đi chuyến này,
bao giờ mở mày mở mặt được mới về quê". Ngày ấy thằng Tú con Hoán
mới 10 tuổi, giờ đã lấy vợ sinh con. Vậy mà suốt từ ấy, do đời sống gieo
neo, bố con Hoán vẫn không về thăm nhà. Tháng 10 năm ngoái chú tôi mất,
vậy mà ông con trưởng Hoàng Minh Hoán, vẫn biền biệt ở Sông Bé không
về nhìn mặt bố lần cuối cùng.
Cuộc mưu sinh ở đất khách, quả là không dễ dàng gì. Ngay ở chốn quê,
thời kỳ "hậu cưa xẻ" vừa qua, cũng đầy thử thách và lắm bi kịch.
Bóng đen khủng khiếp nhất trùm lấy làng tôi là đôi cánh của "nàng tiên
nâu". Nó bắt đầu hình thành từ một ổ chứa đầu làng do một thợ xẻ mang từ
trên rừng về. Nạn nhân đầu tiên là mấy gã choai ham chơi, thích của lạ,
không học hành, vô nghề nghiệp. Tiếp đến là mấy anh công nhân "hậu
Sông Đà". Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình xây dựng xong, hết việc, lại không
thích theo công trường vào Yaly, mấy chàng thợ kéo nhau bỏ về làng ăn vạ
bố mẹ. Anh Đường, con ông bác ruột tôi, than thở: "Thằng thứ hai nhà anh
hỏng mất chú ạ. Bỏ không lái bò ma trên Sông Đà rồi. Bắt đầu đua đòi với
bọn nghiện hút" - Anh Tải, cũng con ông bác ruột, thấy tôi về, lên thì thào:
"Thằng con tôi đã nghiện hút. Chú phải giúp tôi điều nó đi khỏi làng. Công
nhân bốc vác, bảo vệ, việc gì cũng được. Tôi chỉ có mình nó. Phải cứu,
trước khi nó chết".
Lần ấy về quê, suốt đêm tôi không chợp mắt. Nửa đêm vục dậy, đi quanh
khoảng sân rộng, quanh gốc hồng xiêm nơi lưu giữ bao kỷ niệm ấu thơ.