con ạ. Cưa xẻ lao lực, sức nó không chịu nổi. Với lại, hình như nó bị ngã
nước". Tôi sinh nghi. Nó có triệu chứng buồn ngủ và ngáp vặt, nhưng da
không xanh tái. Rất có thể thằng này dính thuốc phiện. Tôi tìm cách cho nó
đi bộ đội. Rất may, đang có đợt khám tuyển của Quân khu Thủ đô. Thế là
thằng K. trở thành lính cậu, được đóng quân và tập luyện ngay giữa Hà
Nội.
Thời kỳ những năm 1985-1995 có thể coi như giai đoạn cáo chung nghề
thợ xẻ của làng. Cưa máy, đục máy, bào máy đã thay thế hết những dụng cụ
cưa xẻ thủ công. Những đôi thợ cưa cuối cùng cũng từ những xóm người
Mường, người Thái. Hoà Bình, Sơn La lục tục rút về làng. Ruộng đất giờ
chỉ còn chưa đầy một sào một đầu người. Một gia đình dăm sào khoán, làm
ù nửa tháng là xong. Vô công rồi nghề, thanh niên tối tối thường thụ tập,
đàn đúm quanh dãy quán mới mở ở cửa đình. Đã có hiện tượng mất trộm
vặt. Đã nhiều trường hợp gây gổ đánh lộn nhau. Đau nhất là cái chết của
con anh P. Thằng con cùng các bạn ngồi chơi, một thằng khác đến nhìn
đểu. Hai bên châm chọc nhau. Thế là thằng con nhà S. về vác dao nhọn ra
đâm con nhà P. trúng tim, chết ngay trên đường đi cấp cứu ở bệnh viện Vân
Đình.
Bây giờ, nhìn lại thời kỳ ấy, tôi mới hiểu. Đó là những ngày vật vã cam
go nhất của làng, cũng là thời kỳ bộc lộ bản lĩnh và truyền thống của một
làng đã từng khắc đậm tên mình trên văn bia Quốc Tử Giám gần 250 năm
trước.
Nhóm "Tứ hùng" buông tay cưa, nhanh chóng thích nghi với công việc
mới: Ông Hiền đưa các con ra Thường Tín học nghề vớt cá giống sông
Hồng, rồi ươm thả cá, sau chuyển sang nghề ấp vịt, trở thành một chủ ấp vịt
lớn nhất vùng. Ông Sính cũng chuyển nghề thả cá, kết hợp nấu rượu và
chăn nuôi. Ông Quang trở thành chủ một xưởng mộc lớn, cùng cánh thợ
mộc làng nhận hợp đồng đóng đồ mộc cho các cơ sở đồ gỗ ở Hà Nội. Riêng
ông Bích người hùng số một, người hào hoa nhất làng lúc nào cũng được
các "bồ" trẻ bao, mở các tiệm hàng dịch vụ ở Hà Nội.