4. Tính khí
Khi tức giận, người ta thường quá quan trọng hóa vấn đề. Điều đó có thể
gây ra rất nhiều rắc rối vì mức độ của vấn đề thay đổi phụ thuộc vào cách
nó được giải quyết. Nhìn chung...
Nếu chúng ta phản ứng nặng nề hơn bản chất sự việc, vấn đề trở nên
nghiêm trọng hơn.
Nếu chúng ta phản ứng nhẹ nhàng hơn bản chất sự việc, vấn đề sẽ được
giảm nhẹ.
Đó là nguyên do tôi tự ép mình theo quy tắc tôi gọi là Quy tắc Khiển
trách: “Dành ra 30 giây để chia sẻ cảm xúc”. Bất cứ khi nào chúng ta phản
ứng quá dữ dội trước những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống tức là chúng ta
đang sử dụng một chiếc búa.
Vợ chồng tôi thường xuyên giúp đỡ nhau trong vấn đề này. Khi hai con
tôi còn nhỏ, chúng tôi cũng dùng cách đó mỗi khi cần giáo dục bọn trẻ.
Chúng tôi ngồi cạnh nhau trên đi-văng và nắm tay nhau khi nói chuyện với
chúng. Và nếu một trong hai chúng tôi bắt đầu tỏ ra nóng giận hoặc phản
ứng thái quá, người kia sẽ siết nhẹ bàn tay để nhắc nhở. Qua nhiều năm,
cách đó đã giúp chúng tôi tránh phải sử dụng những lời lẽ đao to búa lớn
đối với bọn trẻ trong khi cách giải quyết mềm mỏng hơn lại vô cùng hiệu
quả. Cách đó hiệu quả nhưng đôi khi làm cho ai đó bị đau tay.
ĐỔI CHIẾC BÚA LẤY MỘT ĐÔI GĂNG TAY NHUNG
Một vài người nghĩ dùng búa có thể giải quyết được mọi vấn đề và họ áp
dụng giải pháp này trong mọi tình huống cuộc sống. Tôi thấy thái độ này
thường có ở những người đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. Khi
họ chú tâm vào điều gì, họ sẽ làm hết mình để đạt được điều đó. Đó luôn là
giải pháp tốt trong công việc nhưng là giải pháp tệ trong các mối quan hệ.
Nhà tâm lý Abraham Maslow nhận xét: “Nếu công cụ duy nhất bạn có là
chiếc búa, bạn sẽ coi mọi vấn đề như những chiếc đinh.” Con người cần
phải có các giải pháp thông minh hơn thế.