1. Biến học hỏi thành niềm đam mê
Chuyên gia quản lý Philip B. Crosby nhận xét: “Một trong những lý
thuyết về hành vi con người cho biết, con người về mặt tiềm thức luôn trì
hoãn sự phát triển trí tuệ của bản thân. Họ thường dựa dẫm vào những thói
quen và lời nói rập khuôn. Khi đã đến độ tuổi thỏa mãn với cuộc sống của
mình, họ ngừng học hỏi và trí tuệ của họ trở nên nhàn rỗi. Họ có thể vẫn
phát triển ở cơ quan, vẫn có nhiều tham vọng, ham muốn và cũng có thể
làm việc cả ngày lẫn đêm nhưng họ không còn muốn học hỏi nữa.”
Tình trạng này thường thấy ở những người đã đạt được vị trí họ mong
muốn, hoàn thành mục tiêu tổ chức đặt ra hoặc giành được những bằng cấp
mà họ phấn đấu. Trong tâm trí họ, họ đã tới đích nên họ cảm thấy hài lòng.
Nếu bạn là người cầu tiến, bạn sẽ không bao giờ thỏa mãn với những gì
đã đạt được. Bạn sẽ tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới và trí tuệ bạn luôn
hoạt động, động cơ của bạn sẽ luôn mạnh mẽ. Đừng lo lắng khi người khác
có thể dạy bạn những điều mới mẻ. Triết gia người Hy Lạp; Plato đã nói:
“Khi học sinh sẵn sàng, thầy giáo sẽ xuất hiện.”
2. Coi trọng con người
Tính đến năm 1976, tôi đã theo nghề mục sư được bảy năm và nhận thấy
thành công đã đến với mình. Ngày đó, nhà thờ thường được đánh giá dựa
vào mức độ thành công của các bài giảng đạo vào ngày chủ nhật. Nhà thờ
tôi dẫn dắt đã phát triển nhanh nhất bang Ohio và trở thành nhà thờ lớn
nhất trong giáo phái của tôi. Nhưng tôi vẫn muốn học hỏi thêm. Năm đó,
tôi đăng ký tham dự một hội thảo có ba diễn giả tôi rất muốn nghe. Họ
nhiều tuổi hơn hơn tôi, thành công hơn và có nhiều trải nghiệm hơn.
Trong hội thảo, có chương trình trao đổi ý kiến mà bất kỳ ai cũng có thể
tham gia. Tôi cho rằng hoạt động này chỉ lãng phí thời gian và tôi không có
ý định tham dự nhưng trí tò mò lại thôi thúc tôi. Tôi thực sự đã được mở
rộng tầm mắt. Lần lượt từng người trong buổi hội thảo chia sẻ những kinh
nghiệm của họ trong tổ chức họ làm việc và tôi ngồi đó viết vội những ý