Rồi cô đọng lại ý tưởng
Về mặt cụ thể, sau khi có ý chính, bạn nên nghĩ cách làm cho nó nhỏ dần,
nhỏ dần, khép vào một góc, trở thành chủ đề có thể viết lách được. Đề tài
thường rất rộng. Ví dụ: lạm phát.
Tiền mất giá thì biết bao nhiêu thứ để viết, nhưng quá nhiều lựa chọn sẽ đâm
ra khó khăn. Giống như khi vào một quán ăn, người bán đưa ra thực đơn
nhiều món nên bạn khó chọn lựa. Vậy cần tìm cách làm sao cho dễ chọn lựa
hơn. Viết lách cũng vậy. Cứ cắt gọt cho nhỏ dần, từ đề tài xuống thành chủ
đề. Nếu viết về lạm phát từ A đến Z, chắc chắn sẽ phải biên soạn một cuốn
sách 300 trang hoặc nhiều hơn.
Phải làm sao để từ đề tài tiền mất giá xuống thành chủ đề gần gũi với độc
giả. Có thể dùng “Quy trình khép góc của Socrates” thông dụng ở phương
Tây. Socrates, một nhà triết học Hy Lạp, có lối dạy học đặc biệt: bằng hỏi -
đáp. Ông luôn hỏi những người học trò đang chăm chú lắng nghe ông, để họ
trả lời; dần dần ông dẫn họ tới chỗ tìm ra một vấn đề gì đấy. Bạn cũng có thể
học theo, tự đặt câu hỏi, để khép đề tài lớn thành chủ đề nhỏ.
Đối với lạm phát, chẳng hạn, có thể đặt câu hỏi sau: “Về lạm phát, cái gì
mình quan tâm nhất?”. Nếu không biết thì đặt câu hỏi khác: “Chỗ nào
người ta nói nhiều về lạm phát?”. Câu này thì không khó để trả lời: “Ngoài
chợ các bà nội trợ hay nói giá thịt, cá, rau,... lên mà lương của chồng không
lên theo kịp”.
Như vậy đã tạm được rồi. Có thể hỏi tiếp: “Cần phải làm gì trước chuyện
này?”. Và đáp: “Nếu là người lập chính sách, tôi sẽ làm cho lạm phát giảm
xuống bằng cách thúc đẩy sản xuất, sao cho các công ty làm ra thật nhiều
hàng để bán rẻ cho dân chúng như thế các bà nội trợ sẽ không kêu ca nữa”.