Sửa lỗi dùng sai từ. Bạn nên biên tập sao cho từ ngữ mình dùng không sai
nghĩa, đúng với những gì muốn nói.
Bạn có thể viết “yếu điểm” trong khi muốn nói “điểm yếu”. Nhiều người
hay dùng sai từ này: yếu điểm là điểm quan trọng; nhược điểm mới là điểm
yếu. Cũng nên sửa “bất cập” thành “bất hợp lý”; “bất cập” có nghĩa không
ngang tầm, không kịp hoặc không đủ mức cần thiết.
Chống sáo rỗng, công thức. Người cầm bút không chuyên thường mắc bệnh
này. Họ lặp lại từ ngữ, cách nói năng mà người khác đã dùng đến mòn đi rồi,
bất kể chúng còn hữu ích hay không. Ngay cả những cây bút nhiều kinh
nghiệm cũng có thể bị mắc bệnh này.
Như thế này là sáo rỗng: chuyện nhỏ, biết bao nước đã chảy qua cầu, im như
thóc, câm như hến, mọc lên như nấm sau mưa, đường thông hè thoáng... Và
công thức, ước lệ: tìm mỏi mắt ở tiệm sách cũng không có; người chủ của nó
đôi khi khó tính đến mức lập dị...
Tả cảnh, tả người quá tròn trịa cũng được xem như ước lệ.
Một vấn đề thường được coi trọng trong viết lách nhưng có thể mang lại rắc
rối về giọng điệu: từ ngữ bóng bẩy. Nếu sử dụng tốt, chúng có thể làm rõ và
tăng tính thuyết phục cho lập luận của bạn. Nếu không, chúng có thể khiến
người đọc rối trí và xao lãng. Hãy cẩn thận khi dùng so sánh, ẩn dụ và
những biện pháp tu từ khác. Cần tránh sự sáo mòn. Những ẩn dụ được sử
dụng quá nhiều (xinh như Thúy Kiều, chuột sa chĩnh gạo, vui như Tết, v.v.)
có thể làm giảm giá trị một câu văn hay.
Ngược lại, nếu so sánh quá phóng đại, bạn sẽ gặp vấn đề. Khi bạn viết, “Cô
giáo bản đẹp như tiên giáng trần”, độc giả sẽ hồ nghi. Liệu cô có đẹp như
thế không vì nếu vậy thì trông hợp với diễn viên hoặc người mẫu hơn? Hơn
nữa cách so sánh “đẹp như tiên” đã sáo mòn. Nếu viết, “Cô giáo bản đẹp
như bông hoa trắng trên đồi”, câu sẽ gợi tả và có thể lay động được độc giả.
Nói chung, nên sử dụng hình ảnh tự nhiên.