Khi tự biên tập, nếu không tìm được từ thích hợp để diễn đạt một ý tưởng cụ
thể hoặc không chắc chắn về từ ngữ đã dùng, cũng đừng tốn hàng giờ vắt óc
suy nghĩ về chúng làm gì. Hãy thử tìm từ ngữ, cụm từ đơn giản, tức gạch bỏ
hoặc thay thế từ ngữ và cụm từ độc giả bình thường phải nhọc công đọc đi
đọc lại mới hiểu.
Nên lập danh sách từ và cụm từ không phù hợp hoặc mơ hồ bạn không cần
sử dụng. Nên tránh những từ như “duy nhất”, “hiển nhiên”. Phải chăng vấn
đề đang xem xét thực sự “duy nhất”, hay chỉ “bất thường”? Nếu đã “hiển
nhiên”, thì cần gì phải tranh luận? Cũng tránh dùng thuật ngữ sáo mòn. Khi
cứ phải đọc nhiều lần từ ngữ nhàm chán, độc giả sẽ chán ngán, bỏ bài.
Hẳn nhiều người bị ám ảnh về việc viết sao cho văn vẻ nên dễ bị rơi vào
bệnh sáo rỗng, công thức, bóng bẩy.
Sửa lỗi ngữ pháp, chính tả. Một số người viết lách cẩu thả nhưng lại hay
bào chữa, nói rằng mình chỉ để sót lỗi lặt vặt về ngữ pháp, chính tả và dấu
câu. Họ quên là ngay cả các lỗi nhỏ nhất hoặc cách dùng từ không thống
nhất cũng có thể làm cho độc giả nghi ngờ; không biết khi nghiên cứu, tìm
hiểu thông tin, liệu người viết có ẩu như thế không?
Bạn cần nắm vững ngữ pháp, chính tả, dấu câu. Bài đúng ngữ pháp chính tả,
dấu câu là dấu hiệu cho thấy người viết cẩn thận. Bạn không cần quan tâm
đến các tranh cãi về mặt hình thức thỉnh thoảng lại nổ ra trong giới nghiên
cứu ngữ pháp, mà chỉ cần thực hành ngữ pháp, viết cho đúng tiếng Việt. Nên
mua sách hướng dẫn đi theo hướng viết đúng để tham khảo. Sách của nhà
giáo Phan Thiều, chẳng hạn.
Câu cần đáp ứng hai tiêu chí: nội dung và ngữ pháp. Nội dung là ý tưởng
muốn diễn đạt, quan điểm muốn nêu, câu chuyện muốn kể. Còn ngữ pháp
chính là cách thức diễn đạt ý tưởng - lựa chọn từ ngữ và chức năng cụ thể
trong câu - chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ...