như Singapore. Tại đây, tiếng Anh được dạy và học chủ yếu để làm dịch vụ
quốc tế, từ cảng biển, ngân hàng cho đến giao thông vận tải, du lịch.
Đài Loan và Hàn Quốc đã sử dụng những cách thức sáng tạo để tiếng Anh
trở thành ngôn ngữ thân thuộc hơn với người dân. Một số thành phố của
Hàn Quốc, chẳng hạn, đã lập “làng tiếng Anh”. Trong làng, ngoài lớp học
còn có cả ký túc xá, căng- tin, phòng tập thể thao... Và chi phí học tập được
chính quyền hỗ trợ một phần.
Người học phải dùng tiếng Anh trong suốt quá trình sống ở làng, bị phạt tiền
nếu dùng tiếng Hàn, nhưng có quyền lấy lại tiền nếu sau đó nói tiếng Anh
nhiều hơn. Họ học theo phương pháp mô phỏng: giao tiếp trong lớp với giáo
viên như trong đời thực tại nhà hàng, khách sạn, sân bay, ngân hàng... Cách
học này buộc người tham gia phải luôn thực hành, nhờ đó dần trở nên tự tin
khi tiếp xúc với người nước ngoài.
Tiếng Anh đang trở nên quan trọng và phổ biến hơn - không chỉ vì du lịch.
Tuy nhiên, người Việt Nam nói chung, Hội An nói riêng đang sử dụng tiếng
Anh “theo cách rất Việt Nam”. Có thể nghe được ở đây, câu “gút bai hỉ!”,
chẳng hạn. Một số người nói đùa rằng đây là “quangnamlish”.
Và bảng cấm xe hơi, xe gắn máy ở Hội An vẫn ghi: “Walking street and
primitive vehicle” (dịch từ “Phố đi bộ và xe thô sơ”). Chưa thấy ai lên tiếng
sửa cho chỗ sai do lắp ghép từ trong tự điển mà ra đó: phố - street, đi bộ -
walking; xe - vehicle, thô sơ - primitive. Trong tương lai, nếu thủ phủ tiếng
Anh ra đời, hẳn sẽ không còn xuất hiện kiểu viết như thế nữa ở Phố Cổ.