Họ căm giận tôi cũng là lẽ thường. Họ ném đá tôi cũng là lẽ thường.
Họ làm những việc mà họ ắt sẽ làm đối với những người như tôi, đó cũng là
lẽ thường. Chuyện này không có nghĩa là bạn phải hết hy vọng, rằng bạn
phải bi quan, rằng bạn thậm chí không dám nhắc đến tôi nữa. Bằng cách đó
bạn không thể giúp được họ, và cũng chẳng giúp được chính mình.
Bạn đừng để ý đến cách cư xử của họ. Họ đang hoàn toàn say ngủ.
Chúng ta thì đang cố làm những việc chống lại giấc ngủ của họ, và đương
nhiên họ cảm thấy bị quấy rối và thế là họ phản ứng. Chuyện này hoàn toàn
có thể chấp nhận được. Nhưng vấn đề là họ còn phản ứng đến bao giờ? Đây
quả là một thách thức to lớn. Hết hy vọng nghĩa là bạn đã thua cuộc. Mà tôi
thì không định thua cuộc như thế.
Cho đến hơi thở cuối cùng tôi vẫn sẽ làm như vậy, dù họ phản ứng thế
nào. Chỉ còn cách là để cho họ phản ứng thì mới có cơ may thay đổi. Sẽ lâu
đấy, bởi hàng triệu năm đã đưa họ đi quá xa khỏi chính họ. Bạn nên kiên
nhẫn với họ. Họ cần lòng trắc ẩn nơi bạn, họ cần tính nhẫn nại nơi bạn.
Họ sẽ trở về; họ muốn trở về, thế nhưng việc nhận ra rằng mình đã
lầm, mình giả tạo cũng thật đi ngược với cái tôi của họ.
Thế nhưng phản ứng của họ - việc họ ném đá tôi, hay đâm tôi, hay bỏ
tù tôi, hay đóng đinh tôi lên cây thập giá - sẽ thay đổi họ. Chỉ có bằng cách
đó họ mới bắt đầu suy ngẫm về những việc họ đang làm và tại sao họ thấy
mình bị xâm hại. Bạn chỉ cảm thấy bị xâm hại khi người ta nói ra những
điều chân thực về bạn, những điều mà bấy lâu nay bạn vẫn cố giấu. Bạn
không bao giờ thấy bị xâm hại trước những lời dối trá. Sự thật là kẻ xâm hại
vĩ đại nhất.
Sự khó chịu của họ, nỗi sợ rằng tôi sẽ phá hủy nền đạo đức của họ,
tôn giáo của họ, truyền thống của họ, cho thấy một điều: họ chẳng hề có tôn
giáo, chẳng hề có đạo đức, chẳng hề có chút truyền thống nào. Họ đang cố
tin rằng mình có, nhưng đó chỉ là một niềm tin dễ dàng sụp đổ; nếu không
thì sao có những chuyện xảy ra ở Hy Lạp như thế được.