vội vã khai luôn hắn là một nhân vật quan trọng hơn tất cả số tướng lĩnh ở
chiến trường Đông Dương cộng lại. Hắn được tổng thống Mỹ cử đi điều tra
tại chỗ những nguyên nhân thất bại của trận oanh kích khu vực Cô-Tan.
Thấy cán bộ của ta chấp hành đúng đắn chính sách đối xử nhân đạo với
tù binh, tưởng ta «ngốt» cái chức vị mà hắn đã khai nên cái máu «tướng»
của hắn lại nổi lên. Hắn đề nghị cho hắn được gặp «vị tướng» nào của ta đã
trực tiếp «hạ» hắn trong trận Cô-Tan này. Sau đó, hắn xin khai chi tiết. Về
phía ta không phải ta ngại hắn sẽ không khai đầy đủ nếu không cho hắn gặp
«người» đã đánh bại hắn, bởi vì chỉ qua những lời khai hấp tấp khi bắt đầu
hỏi cung, ta cũng thừa hiểu sự «tiết tháo» của hắn ra sao rồi. Nhưng ta vẫn
chủ trương cho hắn được nhìn tận mắt những người đã đánh bại hắn, để
một mặt cho hắn được tiếp xúc với chân lý của sức mạnh chiến tranh nhân
dân, của tinh thần yêu nước Việt Nam, mặt khác cũng là để cho hắn có điều
kiện tự khám phá ra nguyên nhân thất bại của hắn, giúp hắn tìm lấy một lối
thoát thích hợp nhất trong hoàn cảnh mà hắn đang sống.
Cho nên hắn mới được ngồi ở đây.
Và hắn đã lần lượt được nhìn tận mắt từng người đã góp phần quan trọng
vào việc đánh bại hắn. Hắn hết sức ngạc nhiên khi được biết những tay
súng đã bắn rơi chiếc máy bay cực kỳ hiện đại của hắn lại là ba anh con trai
Hà Nội trẻ măng, áo quần còn nguyên những dấu vết của chiến hào, đang
nhìn hắn bằng cái nhìn mà «kỷ nguyên Mỹ» chưa hề gặp ở đây, kể từ khi
nước Mỹ bắc bậc làm sang với các hàng cha chú đã già nua trên địa lục.
Hắn càng tỏ ra kinh ngạc hơn đến mức gần như không thể hiểu nổi, khi hắn
nhìn những người thanh niên bình thường, giản dị mà dấu vết của cuộc
chiến đấu gian khổ đã khắc những nét không sao lẫn lộn được trên khuôn
mặt xanh gầy của họ, lại là những tác giả của cái kế hoạch đã đánh tan cái
kế hoạch «Pax Americana» nổi tiếng của hắn. Hắn ngắm nghía những
người này rất lâu, rất lâu...
Rồi hắn khai.