Có lẽ là vì từ bao nhiêu đời nay tổ tiên mình, rồi đến ông cha mình tin
tưởng, rồi đến mình đây tin tưởng là đất đai cũng như sinh vật, ngưng hoạt
động trong những ngày cuối năm, lại bắt đầu sống lại, với sự trở về sắp tới
của khí ấm. Từ quan niệm đó, người ta vui mừng trông đợi lúc cây cối và
muôn vật trở lại cuộc sống bình thường và ao ước năm mới phải có một cái
gì mới, một tiến bộ mới.
Người nông dân ao ước sản xuất nhiều, người thị thành ao ước khôn ngoan
hơn, giàu có hơn, trưởng thành hơn. Bao nhiêu thù oán xếp lại, tình đoàn
kết được đề cao, sự lo buồn lộn xộn quẳng đi một xó. Người ta thăm hỏi
nhau, kiêng mắng chó chửi mèo, kiêng hốt rác, rồi trông nêu, vạch vôi vẽ
cung tên, chẳng qua chỉ là để hi vọng năm sắp tới bản thân mình, gia đình
mình, làng nước mình sẽ khôn ngoan hơn, khoẻ mạnh hơn, sinh sản nhiều
hơn. Người ta chúc mừng nhau, cầu trời khấn phật, chỉ là để xin các sức
huyền bí viện trợ cho mình. Sự hoang đường mê tín thường xuất phát từ
một nhu cầu thực tế. Không theo như thế thì không yên dạ. Không yên dạ
vì sợ rông, vì sợ xúi quẩy cả năm, nhưng không yên dạ còn vì sợ việc này
hay việc nọ trong năm sẽ không bằng được năm cũ.
Em nghe thấy nói trước đây, ở chợ Đồng (Hà Nam), chợ Phủ Giày (Nam
Định), có những người đến phiên chợ cuối năm thường cố mang một thứ
hàng, bất kì nhiều ít, bất kì tốt xấu đi bán, chỉ mong bán chạy chớ không
mong lấy tiền. Bán như thế là bán cái xúi quẩy của năm cũ đi.
Cũng vậy, ở Nghệ Tĩnh trở vào Thừa Thiên ngày trước cũng có tục đến
phiên chợ tết thì đem đồ đi bán và rao “Có ai mua dại ra mua” và không
cần bán mà cũng không cần ai trả lời mua hay là không mua.
Tất cả những tục lệ ấy, truy tầm ý nghĩa sâu xa của nó, chỉ là biểu hiện
nguyện vọng của dân tộc muốn cho mọi sự trong năm mới phải hơn năm
cũ.
Em thiết nghĩ nêu ta có chỉnh trang nhà cửa, mua bán sắm sửa cái này cái
nọ, cho cửa nhà vui vẻ chẳng qua cũng chỉ là theo truyền thống của dân tộc,