chạn. Tuy vậy, cũng chửa yên tâm. Nhiều khi sực nhớ ra điều gì lại lấy
cuốn sổ ra ghi.
- Phải thế mới được. Dạo này em nói trước quên sau, hỏng quá.
Này, còn phải mua mấy cái tranh gà lợn và hai ông “Tiến tài, Tiến lộc” để
dán ở hai cánh cửa chính này; mua một hộp thuốc đánh đồ đồng này; lên
trên phố Lò Rèn lấy hai con dao gọt thuỷ tiên đặt đánh này; mua thêm mộc
nhĩ để gói giò thủ này… À, nếu em quên, anh nhớ nhắc nhé: mai, thể nào
cũng phải xuống ông Cả ở Khâm Thiên xin một ít lan chân cua về trồng.
Ở Hà Nội, đến Tết, nhà nào cũng phải có một cành đào hay cây mai, một
chậu cúc, cụm hồng nhung hoặc một cặp đỗ quyên có hoa nở đỏ chói để
cho vui nhà vui cửa; nhưng có những nhà đặc biệt quan niệm rằng tết mà
không có hai chậu lan chân cua để trưng bày thì cái tết kém hẳn phần rực
rỡ. Bởi thế năm nào cứ vào đầu tháng chạp, người vợ cũng tự tay trồng hai
khúc xương rồng vào hai cái chậu sứ Giang Tây rồi lấy con dao nhọn khía
cây xương rồng ra để ghép những cánh lan chân cua vào cho lan hút lấy
nhựa xương rồng mà sống. Ghép lan như thế, phải làm từ đầu tháng chạp.
Chừng một tuần, những lá lan trông như chân con cua bể căng nhựa, tươi
lên trông thấy, và thường thường vào cuối tháng chạp thì hoa nở sum sê, đỏ
chói – nhưng đỏ một màu đỏ đặc biệt, nửa như màu chu sa mà nửa lại như
màu cánh sen.
*
* *
Người chồng vụng chân tay, chịu chết không thể làm được công việc đó,
đành là phải đứng ở bên cạnh để xem có đỡ đần được việc gì chăng. Tủ
chè, sập gụ và bộ sa lông bằng gụ cẩn đá hoa đánh bằng xi không được,
phải đánh bóng bằng lá chuối khô; đồ đồng đánh bằng tro và trấu, đã lau
sạch rồi mới bôi thuốc đánh đồng; sàn gạch cứ đổ dầu lạc một đêm rồi lau