đi, đợi đến hai mươi chín, ba mươi cọ bằng nước thì mới bóng; mi môn,
quần màn đem phơi sẵn một vài nắng chớ không thì mốc đấy. Lăng ơi, con
xem giùm mẹ cái tranh “Đông Phương Sóc ăn trộm đào” cuộn lại cất ở đâu,
lấy xuống phơi nhân thể để nay mai treo ở ngoài phòng khách nhé.
Bao nhiêu màn ở ban thờ đã thay hết rồi, nhưng cái mâm ngũ quả nhớ đem
rửa sạch. Khanh ơi! Còn Khoái, con nhớ hai cái đèn lục lăng treo ở hai bên
bàn thờ Phật, phải hạ xuống rửa các miếng kính bằng xà phòng chớ cứ lau
không, không sạch. Ấy đó, quanh đi quẩn lại chỉ rặt những công việc vặt
như thế mà hết cả ngày. Hết cả ngày mà cũng không hết việc. Cứ vào
khoảng mồng mười trở đi, người vợ lại phải thức khuya để quét dọn bàn
thờ, bày biện lại mấy bộ đồ trà, mấy bình rượu thuý lục, thuý hồng bày ở
trên đầu tủ rồi đem hộp mứt ra rửa, cắt những miếng trang kim để bày dưới
những miếng kính ở cơi trầu, rồi ra sân vặn đèn thay nước của từng cốc,
uốn lá và lấy những cái tăm tách những cài giò thuỷ tiên ra để cho đừng
chạm nhau. Nhiều khi đến lúc ấy thì người chồng đã chợp được một giấc
ngắn rồi. Nhìn xuống nhà thấy còn đèn, biết là vợ chưa đi ngủ, người chồng
dặng hắng rồi xuống thang, nhăn mặt:
- Làm gì mà đến giờ này vẫn chưa ngủ?
Biết là chồng khó tính, người vợ cười:
- Em sắp xong đây. Chỉ còn một tí nữa thôi: em để chậu thuỷ tiên này ra sân
cho có sương rồi lên ngay đây mà.
- Một giờ hơn rồi đấy. Em cứ thức thế này ốm mất. Đã bảo cái tục ăn tết
phiền lắm, phải giản tiện một chút, cứ theo đúng thủ tục thì theo làm sao
cho được.
Ngọn đèn đêm bật lên rồi, gian phòng ngủ chìm vào trong một bóng tối
xanh biêng biếc. Bấy giờ người vợ mới thủ thỉ bên tai chồng:
- Thì em cũng muốn giản tiện lắm đấy chứ, nhưng cũng chỉ giản tiện được
có chừng thôi. Tết mà không trang hoàng một tí cho vui cửa vui nhà và sắm
sửa lệ bộ mỗi thứ một tí, lòng nó không yên, anh ạ.