Trang 5
toét miệng ra cười. Đó là chị Nhí lớn và chị Nhí nhỏ, con của dì tôi.
Dì tôi theo nghề nông. Con cái của dì học nửa chừng đều bỏ ngang, ở
nhà phụ ba mẹ công việc đồng áng. Suốt tuổi ấu thơ của tôi, không biết
bao nhiêu lần tôi nghe tiếng reo của các người chị họ vọng lên từ bùn
lầy - vất vả, cực nhọc nhưng đầy yêu thương.
Khi tôi lớn lên, chị Nhí lớn đã mất. Chị Nhí nhỏ bây giờ loay hoay nuôi
người chồng bị bệnh, đã già sọm đi. Khi tôi về thăm, chị vẫn cười với tôi
nhưng khuôn mặt không còn tỏa nắng như những gì tôi còn nhớ được
khi tôi còn bé nhỏ.
3. Khi tôi còn bé nhỏ, Trà Long là một thiên đường.
Mỗi lần về chơi nhà dì, tôi luôn được các anh chị đùm bọc, yêu thương,
có thức gì ngon cũng dành cho tôi. Với những người nông dân không có
điều kiện tiếp tục tới lớp thì một đứa em họ được học hành tới nơi tới
chốn là niềm tự hào với chòm xóm láng giềng.
Những buổi trưa hè, chúng tôi thường trải chiếu sau vườn, dưới tàng
khế lúc lỉu trái mọc cạnh chiếc giếng đá mượt rêu xanh, chơi đủ thứ trò
chơi con nít. Xa xa là hàng giậu um tùm hoa dại chạy dọc bờ mương.
Bên ngoài hàng giậu là ruộng lúa, ruộng khoai mì dẫn tới dòng suối
chạy ngang qua làng. Đó là dòng suối tôi đã lặn hụp suốt một thời thơ
dại mỗi độ hè về.
Đó cũng là dòng suối chảy qua những trang sách Hạ đỏ của tôi, nơi cậu
học trò tên Chương đã cùng với Nhạn và Dế ngồi vắt vẻo trên cành ổi
sát mép nước để “phục kích” thằng Dư lúc thằng này lùa trâu xuống
suối dầm mình - chi tiết dẫn đến cuộc gặp gỡ thơ mộng và buồn bã với
cô bé Út Thêm sau này.
4. Bối cảnh của truyện Hạ đỏ là làng Trà Long nguyên mẫu ngoài đời.
Ngôi nhà của dì Sáu trong truyện chính là ngôi nhà của dì tôi mà tôi còn
nhớ được. Ngõ trúc vào làng đã được tôi mô tả với tất cả lòng âu yếm:
Dẫn vào làng là một ngõ trúc quanh co, sâu hút, đẹp như tranh vẽ. Trưa
đứng bóng, luồn qua ngõ trúc vẫn mát rượi. Nắng bị chặn lại trên
những ngọn tre trúc cong cong, chỉ rụng xuống con đường làng đầy lá
khô và phân bò những giọt vàng lốm đốm. Không có nắng, nhưng ngõ
trúc đầy tiếng chim. Từ sáng đến chiều, lũ chim sẻ, chim sâu, chách
hoạch và chào mào đua nhau hót líu lo trên những cành nhánh lúc nào