- Ở đây chúng tôi phải thay đổi nhau để canh kho thóc, trời rét mướt như thế này mà
có bằng ấy rượu, đến chúng tôi cũng không đủ uống, còn lấy đâu để lại được nữa.
Lâm Xung lại vật nài mà nói rằng:
- Cụ bớt ra cho tôi vài ba chén rượu uống qua loa cho đỡ rét vậy.
- Lão nhà quê nhất định không nghe mà bảo Lâm Xung rằng:
- Thôi, ông đừng lôi thôi nữa tôi không để lại được đâu.
Bấy giờ Lâm Xung thấy hơi rượu xông lên mũi thì trong bụng thèm quá, lại hỏi
luôn lão nhà quê rằng:
- Thế thì các ông không để lại cho tôi thực à?
- Quái lạ cái bác này, người ta đã tử tế cho vào sưởi ở đây, lại còn đòi rượu uống
sao? Có đi ngay ra không, không thì chúng tôi kéo ra bây giờ đấy.
Lâm Xung nghe nói, nổi giận mà rằng:
- Các anh này vô lễ thực.
Nói xong giơ gậy, lấy thanh củi đương cháy, giơ vào mặt lão già làm cho râu ria
cháy nhẵn nhụi cả một lượt. Lũ nhà quê thấy vậy thì đứng ùa cả lên, Lâm Xung liền
vung gậy đánh rối tít mù làm cho anh nào anh nấy đều chen nhau mà chạy tháo cả.
Lâm Xung thấy bọn ấy chạy rồi thì nói một mình rằng: "Được lắm, chúng bay chạy
cả thì ông mang rượu ra uống một mình vậy". Nói đoạn trông lên vách có hai cái
gáo dừa treo ở đó, liền với lấy xuống một cái rồi nghiêng vò múc rượu ra uống một
mình. Uống một lúc còn thừa một nửa, lại bỏ lại đấy rồi chân cao chân thấp, vác
gậy ra cửa mà đi. Đi được hai dặm đường thì hơi rượu ngấm ra mà say sưa mê mệt,
lại bị cơn gió bấc thổi mạnh quá làm cho chàng ngã lăn xuống khe núi mà không
động đậy được nữa. Bấy giờ lũ trẻ nhà quê chạy đi lấy được roi gậy về mà không
thấy Lâm Xung đâu nữa, liền đổ xô nhau đi tìm. Khi tìm đến chỗ khe núi, thấy anh
chàng đương nằm khô khoăm ở đó mà gậy thì vất ra một bên; lũ nhà quê liền reo
ầm lên rồi đem thừng đến trói Lâm Xung mà bảo nhau đi giải nộp chủ nhân. Mới
hay:
Bước chân chưa thoát nạn kia
Mà đâu nạn nọ đã kề tới nơi!
Ông xanh nghĩ cũng nực cười,
Công đâu đùa bỡn với đời mãi ru?
Buồn tênh cho lũ thôn phu
Trông non Thái cũng như gò cỏn con
Hùm thiêng khi nấp mạn cồn
Vùng cơn tỉnh dậy phỏng còn xác chăng?
Lời bàn của Thánh Thán
Trong phép văn chương diễn tả, há phải chỉ tả luôn một mạch của một việc mà thôi,
có việc trước gợi mối ra sau, có việc đi qua cũng gợi mối ra sau, như thế há đâu chỉ
nói ra một việc. Ôi! Văn tả từ trước, nhằm đích về sau thì phải biết văn này đương