Khi dựng Bạch Thắng dậy thấy sắc mặt của hắn nửa hồng nửa trắng, chúng liền
thừng trói lại mà quát hỏi rằng:
- Ở Hoàng Nê Cương làm việc gì có biết không?
Bạch Thắng giả làm không biết và không chịu nhận. Chúng lại tra khảo người vợ
đều chối cả.
Về sau đám công sai đánh đóm đuốc đi tìm tang vật khắp cả mọi nơi, chợt thấy ở
gầm giường có chỗ đất không phẳng, chúng bèn đào lên để xem. Vừa đào được ba
thước đất thì chúng bỗng kêu reo ầm ĩ rồi lôi lên một bọc kim ngân ở đó. Đoạn rồi
bắt hai vợ chồng Bạch Thắng và mang các đồ tang vật ấy mà hoả tốc giải về Tế
Châu. Sáng hôm sau quan phủ đem ra tra hỏi căn nguyên, Bạch Thắng nhất định
không chịu xưng xuất cho Tiều Cái. Tri phủ cả giận sai đánh bắn máu tươi ra mà
quát lên rằng:
- Thằng đầu đảng, đây đã biết đích xác là Tiều Bảo Chính ở thôn Đông Khê huyện
Vận Thành mày còn chối làm sao được nữa? Có muốn sống thì thú thực sáu tên kia
ra, kẻo roi vọt khổ thân.
Bạch Thắng biết không sao chối nổi, liền thở dài một tiếng mà công nhận rằng:
- Việc ấy tôi chỉ biết có Tiều Bảo Chính là đầu đảng, đến rủ Bạch Thắng đi gánh
rượu, còn sáu người kia không biết là ai cả.
Tri phủ nghe nói truyền rằng:
- Nếu vậy thì bắt tên Tiều Bảo Chính đến đây, sẽ bắt được sáu tên kia có khó gì?
Nói đoạn sai lấy gông tử tù nặng 20 cân gông Bạch Thắng lại và đem vợ giam vào
một nhà giam đàn bà rồi cho thảo công văn cho Hà Đào đem hai mươi tên công sai
nhanh nhẹn đi sang ngay Vận Thành, để hiệp đồng với bản huyện đi bắt Tiều Bảo
Chính.
Lại sai hai tên Ngu hầu của Lương phủ, cùng đi với Hà Quan Sát; để nhận mặt mà
bắt sáu tên kia. Hà Quan Sát vâng lĩnh các người rồi lập tức ra đi. Sang đến huyện
Vận Thành, cho hai tên Ngu Hầu và bọn công sai vào nghỉ ở một hàng cơm rồi giắt
một ít tiền và hai tên theo hầu, để vào huyện trình công văn. Khi vào đến phòng
giấy thì quan Huyện vừa tan buổi hầu sớm, Hà Đào bèn đi ra một cửa hàng nước ở
trước cửa Huyện, để uống nước và ngồi đợi. Hà Đào hỏi người hàng nước rằng:
- Trong huyện bây giờ làm sao mà vắng tanh như thế?
Nhà hàng đáp:
- Trong ấy vừa mới tan hầu xong, các người làm việc còn đi ăn uống, cho nên chưa
ai đến cả.
Nhà hàng trỏ sang cổng huyện mà nói rằng:
- Kìa ông Áp Ty hôm nay đây kia.
Hà Đào ngẩng nom lên thì quả nhiên có một người Áp Ty ở trong huyện đương
lững thững đi ra. Người ấy họ Tống tên là Giang, biểu tự là Công Minh, con thứ ba,
nguyên quán ở Vận Thành, mặt đen, người thấp, thường gọi là Hắc Tam Lang Tống
Giang, lại có tiếng là người hiếu để, bình sinh trọng nghĩa khinh tài, ai cũng gọi là