bụng càng ra dáng mà nghĩ ngợi một mình. Chợt có tiếng đằng sau gọi:
- Áp Ty đi đâu đấy? Sao mấy hôm không thấy Áp Ty đâu cả?
Tống Giang nghe tiếng liền giật mình quay lại xem ai. Cho hay là:
Giang hồ nghĩa nặng tri âm,
Hỏi chi tài mệnh thăng trầm về sau.
Non cao nước vẫn còn sâu,
Thân này xoay với bể dâu còn dài.
Đất đâu lấp được miệng đời,
Vàng đâu mua chuộc được người thủy chung?
Ai lên nhắn hỏi trời công,
Làm chi đem thói má hồng trêu ngươi?
Tức gan đến lúc căm trời,
Gươm kia hồ dễ tha đời được sao!
Lời bàn của Thánh Thán
Sách này nhiều chỗ bút lực hơn người, thường thường ở lúc hai hồi giáp nhau, đều
là một việc mà thấy khác đi, không một nét bút nào mà phạm đến, như hồi trên vừa
tả Hà Đào, hồi này lại tiếp tả Hoàng An vậy. Thấy rằng một phen trước đã khua
sông động bể, đến phen này lại động bể khua sông, thực là một dạng tài tình, một
dạng thế bút, độc giả hãy nhận xét kỹ càng cho thấy, không một câu một chữ giống
nhau, điều đó có lạ gì đâu? Tác giả đã khéo xếp đặt tự trong lòng, như vẽ ra hai
cây trúc vậy. Thì cây trúc nào chẳng có cành, có lá có dóng dốt như nhau, khi vẽ ra
hai cây trúc đứng song đôi, rất giống nhau mà rất khác nhau xa vậy.
Sách này đã một hồi tả Hà Đào chia làm hai phen, tả Hoàng An chỉ một phen. Hà
Đào hai phen tiền với hậu, Hoàng An một phen lại chia tả với hữu. Hà Đào hai
phen thủy chiến và hoả công. Hoàng An cũng hai phen vừa mô tả lại vừa thực họa,
nên nhiều điểm sai biệt cũng là một hồ nước ấy cũng là một bãi lau này cũng những
tay hảo hán ấy cũng những đám binh quan này sự cách quãng đã phân biệt mà ý tứ
chẳng như nhau thấy rằng đem ngàn vàng ra để cầu lấy một nét bút phạm vào
nhau, không thấy chút nào giống cả, văn tả đến thế mới thấy càng diễn ra càng thấy
ly kỳ. Một đoạn văn Tống Giang với Bà Tích, ngòi bút của tác giả đặt ra, để cho
Tống Giang có chuyện, nên phải nảy ra một việc Tống Giang giết người, vì muốn
Tống Giang có việc giết người thì phải thêm chuyện Bà Tích, vì có chuyện Bà Tích
duyên kiếp thì phải sinh ra sự Vương Bà xin áo quan. Cho nên từ sau khi Vương Bà
xin áo quan, cách sau dăm tờ lại có chuyện Vương Ông xin áo quan, chẳng qua đưa
lại cho hồi sau Tống Giang bị phạm tội trốn đi, đó là chính là khế tử, độc giả thấy
lúc trước cho áo quan, đến sau lại cho áo quan, đầu thì Vương Bà, cuối đến Vương
Ông, thấy tác giả như vảy mực ra đùa, thêm ly kỳ câu chuyện.