Tống Giang lại lấy ba mươi lạng bạc, đưa lại hai Đô Đầu mà giữ lại nghỉ ở đó một
tối. Sáng hôm sau, Triệu Năng, Triệu Đắc, áp giải Tống Giang về đến huyện Vận
Thành. Quan Huyện Thời Văn Bân trông thấy cả mừng, truyền đem Tống Giang ra
lấy khẩu cung. Bấy giờ Tống Giang cầm bút cung nhận các lẽ đại khái sau đây.
"Vào khoảng mùa thu năm ngoái, có mua Diêm Bà Tích về làm tỳ thiếp, sau vì một
việc không may, hai bên cãi cọ lẫn nhau, nhân khi say rượu, lỡ tay đánh chết rồi
phải trốn tránh phương xa. Nay bị quan trên bắt được, xin thú mọi điều, không dám
chút gì man trá.”
Tri Huyện xem nhận tờ cung rồi truyền cho đem giam xuống nhà giam lao. Khi đó
khắp huyện nghe tiếng Tống Giang bị bắt thì ai nấy đều có lòng thương xót mà
cùng nhay đến nói Tri Huyện, để rút bớt tội cho. Quan Huyện vốn có lòng tử tế với
Tống Giang, nên cũng cho thả lỏng trong lao mà không bắt gông cùm trói buộc và
lại đem tờ cung mà phê chuẩn ngay cho. Tống Giang lại đem tiền đút lót các nơi,
cho đâu đấy đều hết lòng vị nể, không ai bới móc lôi thôi. Diêm Bà khi đó cũng đã
chết rồi, không còn ai làm khổ chủ. Trương Tam thì người dưng nước lã, Bà Tích
không còn, nên cũng lặng im cho xong chuyện.
Bấy giờ, quan Huyện làm thành văn án, đợi hết hạn sáu mươi ngày, giải lên trên Tế
Châu để kết đoán. Quan Phủ Tế Châu xem đến hết căn do và truy theo với ngày ân
xá, liền giảm tội cho Tống Giang, phạt đánh hai mươi trượng và phát vãng sang phủ
Giang Châu. Các quan lại ở châu thành nhiều người quen biết Tống Giang, vả lại có
tiền nong nói lót từ trước, nên đến khi phạt đánh cũng không lấy gì làm đau đớn,
như mọi kẻ tội nhân.
Khi phạt đánh xong rồi, quan Phủ cho thảo công văn, sai hai tên công sai cùng tụi
Thương Thiên Lý Vạn gông cổ Tống Giang mà sai sang Giang Châu. Giải ra cổng
phủ thì Tống Thái Công và Tống Thanh đến đón ở đó, mời hai người công sai vào
hàng thiết rượu và đưa tiền ra để tiễn tặng.
Đoạn rồi Thái Công đưa quần áo cho Tống Giang thay và gọi ra ngoài chỗ vắng mà
dặn rằng:
- Ta biết Giang Châu là một nơi phong phú dễ chịu, nên phải chịu tốn tiền, xoay sở
cho con đến chỗ đó. Vậy con nên cẩn thận giữ gìn rồi ta sẽ sai Tứ Lang đến thăm
hỏi và tiền nong ta sẽ thường thường đưa cho, phen này con đi tất qua Lương Sơn,
lỡ khi họ có xuống núi bắt ép lên nhập bọn thì thế nào con cũng chớ theo mà chớ để
cho thiên hạ cười là bất nghĩa bất trung mới được. Những điều cha dặn con chớ
quên sau này may có ngày đoàn tựu với nhau thế là hạnh phúc.
Tống Giang vâng lời rồi bái biệt phụ thân mà cùng hai tên công sai ra đi. Tống
Khánh đưa chân Tống Giang một quãng đường xa. Khi sắp từ biệt nói với Tống
Thanh rằng:
- Ta đi phen này, ở nhà bất tất phải lo nghĩ làm chi, duy phụ thân nay tuổi cao sức
yếu, anh thì muôn dặm xa xôi, vậy em ở nhà phải nên trông nom phụng dưỡng, chớ
bỏ đó mà sang Giang Châu mới được. Ta đi đến đâu, anh em quen biết cũng nhiều,