HỒI 20
Trên thuyền câu hồi tưởng kỳ án
Nhìn đáy nước nghĩ chuyện âm hồn
Trong những ngày tiếp theo, Hoàng đế mạnh mẽ ra tay với Bạch Liên giáo.
Tại kinh thành và các châu, huyện, rất nhiều quan viên lớn nhỏ và vài
thương nhân giàu có bị liên đới, xét xử và lập tức bị hành quyết. Với việc
các đầu đảng ở kinh thành và các địa phương bị bắt giữ đột ngột, cuộc mưu
phản đã bị đập tan, không có bất cứ toan tính nổi loạn quy mô lớn có tổ
chức nào xảy ra ở bất cứ đâu. Có vài cuộc bạo động nhỏ tại các huyện xa
xôi, nhưng đều bị quan binh địa phương dẹp tan mà không phải hao binh
tổn tướng gì nhiều.
Tại Hán Nguyên, người của Chánh Ngự sử tạm thời tiếp quản toàn bộ
quyền quản lý từ tay Địch Nhân Kiệt. Bản thân Chánh Ngự sử đã vội vã trở
về kinh thành ngay sau khi Lưu Phi Ba tự sát. Nam nhân râu đen cao ngạo
nắm quyền lâm thời và sử dụng Địch Nhân Kiệt làm chân sai việc và phụ
tá. Cả huyện bị tảo thanh kỹ lưỡng để loại trừ những kẻ nghi vấn. Khang
Trọng thú tội, ra làm chứng tố giác viên nha dịch đã từng làm nội ứng cho
Bạch Liên giáo tại nha môn. Ngoài ra, còn có vài tay chân của Vương
chưởng quỹ và chừng một tá những kẻ du đãng được Lưu Phi Ba chiêu mộ
để làm những việc bẩn thỉu cho y. Tất cả đám tội nhân này đều bị giải về
kinh thành.
Bởi Địch Nhân Kiệt đã tạm bị đình chỉ chức trách, ông không phải có mặt
tại buổi hành hình Mao Lộc và lấy làm nhẹ nhõm về chuyện này. Các quan
trên ban đầu quyết án họ Mao phải bị trượng hình tới chết. Nhưng Địch
Nhân Kiệt đã thành công trong việc xin chuyển bản án chỉ còn là án trảm
đơn thuần khi chỉ ra rằng Mao Lộc đã không cưỡng dâm Giang thiếu phu
nhân và thậm chí đã bảo vệ nàng khi hai tên thảo khấu tại Tam Tùng đảo