người này dứt khoát phải thuộc về nhóm nho sinh trong trấn.”
Hai người tiếp tục tìm kiếm nhưng không thu thập được thêm bất cứ manh
mối nào khác. Địch Nhân Kiệt bước ra ngoài lầu các, trầm ngâm đứng đó
một lúc, nhìn xuống hoa viên bên dưới. Ánh trăng phản chiếu lấp lánh trên
mặt ao sen nhỏ nằm giữa các luống hoa. Hạnh Hoa cô nương đã bao lần
đứng đây ngắm nhìn cảnh vật u tịch này mà nhớ tới cố hương? Ông đột
ngột quay người trở vào trong. Có vẻ ông vẫn chưa làm huyện lệnh đủ lâu
để không bị chấn động trước cái chết đột ngột của một mỹ nữ.
Địch Nhân Kiệt thổi tắt các ngọn nến rồi đi xuống cầu thang, Hồng sư gia
theo sau. Mã Vinh đang đứng ngoài cửa chính nói chuyện với chủ thanh
lâu. Gã cúi rạp người khi trông thấy huyện lệnh.
Địch Nhân Kiệt khoanh hai cánh tay lại trong ống tay áo, nghiêm khắc nói
với gia chủ, “Chắc ngươi cũng nhận ra đây là một vụ án mạng, đáng lẽ bản
quan có thể lệnh cho bộ khoái lật tung cả thanh lâu lên và thẩm vấn tất cả
khách khứa. Ta không làm vậy lúc này bởi điều đó có vẻ chưa cần thiết và
ta không bao giờ quấy nhiễu dân chúng khi chưa có lý do chính đáng. Tuy
nhiên, ngươi phải lập tức viết tấu trình chi tiết về mọi thứ liên quan tới vũ
nữ Hạnh Hoa. Tên thật và tuổi tác của nàng, nàng tới thanh lâu này khi nào,
trong hoàn cảnh nào, khách quen thường qua lại với nàng gồm những ai,
nàng biết những món cầm kỳ thi họa nào, đại khái như thế. Hãy đảm bảo là
tờ tấu trình của ngươi được chép thành ba bản và đến tay ta vào sáng sớm
ngày mai!”
Tú ông quỳ gối xuống rồi bắt đầu một tràng dài dòng bày tỏ lòng biết ơn
của mình, nhưng huyện lệnh đã sốt ruột ngắt lời gã, “Ngày mai, ngươi cho
thuê người nhà đòn tới chỗ thuyền hoa lo liệu cho thi thể. Nhớ báo hung tin
cho gia quyến của nàng ở Bình Dương nữa.”
Địch huyện lệnh quay ra cửa thì Mã Vinh lên tiếng, “Bẩm đại nhân, thuộc
hạ thỉnh cầu được ở lại đây thêm một lúc.”