cẩn thận, Giang học sĩ giải thích ngắn gọn về chuyện khảo cứu một số thư
tịch cổ của mình. Những câu trả lời cặn kẽ và thông tỏ đến từng chi tiết
chứng minh ông ta đã làm chủ hoàn toàn được vấn đề. Giang học sĩ đưa ra
vài nhận xét khá độc đáo về tính xác thực của một đoạn thư tịch gây tranh
cãi, thoải mái trích dẫn thuộc lòng một số lời bình cổ xưa ít được biết đến.
Thiên hạ có thể hoài nghi về đức hạnh của vị học sĩ, nhưng không một ai có
khả năng phủ định việc ông ta là một đại học sĩ học vấn uyên thâm.
“Tại sao ngươi lại từ bỏ vị trí Thái học sĩ tại Quốc tử giám khi tuổi đời còn
tương đối trẻ như vậy?” Địch Nhân Kiệt hỏi. “Nhiều người vẫn tiếp tục giữ
vị trí đáng kính đó tới tận bảy mươi tuổi hoặc cao niên hơn nữa.”
Giang học sĩ đưa mắt cảnh giác nhìn huyện lệnh, trả lời một cách cứng
nhắc, “Bẩm đại nhân, lão hủ muốn dành toàn bộ thời gian cho việc khảo
cứu. Trong ba năm qua, việc dạy học của lão hủ chỉ còn giới hạn ở hai lớp
văn sách mở riêng tại chính hàn xá dành cho vài nho sinh ưu tú.”
Địch Nhân Kiệt đứng dậy và nói mình muốn xem hiện trường nơi thảm
kịch xảy ra.
Vị học sĩ im lặng gật đầu, dẫn hai quan khách qua một hành lang mở dẫn
vào đệ nhị viện tử, rồi đứng im trước một cổng vòm kiểu cách. Ông ta
chậm rãi nói, “Bẩm, đằng sau cổng này là viện tử mà lão hủ dành cho nhi
tử. Lão hủ đã nghiêm lệnh cấm không cho ai vào trong kể từ khi quan tài
được chuyển đi.”
Bên trong viện tử có một khu vườn nhỏ, ở giữa đặt một bàn đá thô, hai bên
là đôi khóm trúc với tán lá xanh lào xào khiến người ta quên đi cái nóng
bức người.
Bước qua cánh cổng hẹp, đầu tiên Giang học sĩ đẩy mở cánh cửa bên trái
rồi chỉ cho hai vị khách một thư viện nhỏ. Trong phòng chỉ đủ chỗ cho một
án thư kê bên cửa sổ và một chiếc ghế tựa cũ, trên giá xếp đầy những chồng