sách và các cuộn bản thảo. Giang học sĩ dịu giọng nói, “Thưa, nhi tử rất
thích thư viện nhỏ của mình. Tiểu tử đã chọn bút danh là Trúc Lâm thư
sinh, cho dù mấy khóm trúc ngoài kia khó lòng gọi là một rừng trúc được!”
Huyện lệnh bước vào trong để xem xét các quyển sách trên giá, Giang học
sĩ và Hồng sư gia đứng ngoài cửa. Quay người về phía họ, Địch Nhân Kiệt
dửng dưng nói với Giang học sĩ, “Quan sát sự lựa chọn sách vở của quý
công tử, bản quan thấy lệnh lang ngươi quả là có sở thích rộng. Tiếc rằng
những sở thích ấy bao gồm cả các hoa nương ở Liễu Phường!”
“Bẩm, ai đã nói với đại nhân những điều hồ đồ như vậy?” Giang học sĩ
giận dữ thốt lên. “Nhi tử của lão hủ là một nho sinh có tư cách rất mực
nghiêm cẩn và không bao giờ ra ngoài ban đêm. Kẻ nào dám bịa ra chuyện
hoang đường đó?”
“Bản quan nghĩ rằng mình đã nghe loáng thoáng về chuyện này ở đâu đó,”
Địch Nhân Kiệt trả lời mơ hồ. “Có lẽ ta đã hiểu lầm. Quý công tử hiếu học
như vậy, ta đoán chừng thư pháp của công tử hẳn cũng rất khá phải
không?”
Giang học sĩ chỉ vào một chồng giấy trên án thư và đáp cụt lủn, “Thưa, đó
là bài văn khuyển tử bình về Kinh Thi của Khổng Tử mà gần đây tiểu tử
đang nghiên cứu.”
Địch Nhân Kiệt giở qua các trang bản thảo. “Thư pháp thật ấn tượng,” ông
bình luận trong khi bước ra ngoài cổng hẹp.
Vị học sĩ tiếp tục dẫn hai quan khách vào buồng tiếp khách phía đối diện.
Dường như vẫn còn cảm thấy bất bình với nhận xét Địch Nhân Kiệt đưa ra
về lối sống phóng túng của nhi tử, ông ta nói với khuôn mặt đầy bực dọc,
“Bẩm, nếu đại nhân đi dọc xuống theo hành lang, ngài sẽ thấy cửa buồng
ngủ. Nếu ngài ưng thuận, lão hủ sẽ đợi ở đây.”