Từ đầu gối trở xuống toàn những đất đỏ với bùn; mỗi lúc qua một đám cây
thấp nào thì cành lá gột sạch gần hết.
Đi tới miền đồi núi và bụi cây chen chúc nhau, không còn dấu vết cày cấy
nữa, hai người Thổ trông thấy quả núi Văn Dú đứng chắn trước mặt, hình
vóc cao lớn như ngăn đôi phần đất, đỉnh núi như chạm bầu trời.
Họ dừng chân ở cạnh một cái suối lòng sâu như vực. Nước suối xanh đặc
như rêu thẫm, đang lừ lừ đi vào một cái hốc to dưới mấy cụm cây lá xòe ra
và phủ xuống như cánh tàn.
Họ cởi đôi hài xảo [1] chùi xuống cỏ ướt rồi nhét vào trong nải.
Rồi họ đứng thẳng dậy, ngoảnh trông lại quãng đường họ vừa đi qua. Bấy
giờ vào khoảng cuối giờ Thân (bốn giờ chiều), mưa đã gần tạnh. Bao nhiêu
rừng núi đằng xa đều tan thành hơi trong đám sương dày đặc trắng đục.
Chân trời một màu xám như bạc cũ, làm nổi bật những bụi rậm ở gần bên.
Trông sang mạn bờ suối bên kia, thì Văn Dú như sát lại cạnh mình. Quả núi
lồng lộng đen sì làm át cả những đống gò nhỏ mọn. Một vài bụi cây xơ xác
chen lách dưới những tảng đá lớn mốc rêu. Về phía trong cùng, một rặng
rừng thấp và lưa thưa như không dám xanh tốt.
Hai người lẳng lặng tìm một chỗ đỡ trơn và hẹp nhất, lần lần bám víu lấy
cành lá rễ cây mà xuống rồi lại chậm chạp khó nhọc như thế mà leo lên bờ
suối bên kia.
Từ bờ suối bên kia là địa phận của sự ghê gớm.
Sang tới nơi, họ lại xỏ chân vào đôi giày rơm, rồi cùng nhau đi đến chân
núi.
Lần này, người tuổi trẻ phải cầm lao đi trước.
Họ bước đi rón rén, cẩn thận, bốn mắt liếc đây liếc đó. Hơi có tiếng lạ cũng
dừng lại bởi vì họ yên trí rằng họ đã đi vào nơi hoang dã có lẽ chưa bao giờ
có vết chân người.
Mưa đã tạnh hẳn rồi. Gió cũng đã ngớt. Chim chóc bắt đầu lên tiếng ở trên
mấy ngọn cây cao hay trong ngách đá. Thỉnh thoảng một vài con quạ vừa
bay ngang núi vừa kêu.
Đường đất cũng không đến nỗi khó đi quá như họ tưởng. Nhưng họ cũng
không dám bước bạo.