trông ra. Như thế là một sự nguy khốn cho làng ấy. Đã có một hồi, muốn
phòng những tai nạn, người ta đặt ra lệ tế thần Văn Dú hàng năm. Vật hy
sinh là một người con gái đẹp. Tiếng oán khóc của các cha mẹ những người
gái trinh bị giết quăng xuống suối nghe bi thảm đầy trời đất, nhưng không
hề cảm được lòng những dân làng độc ác vì ngu dại kia.
May sao được mấy năm sau, có một ông quan trấn người Kinh nghiêm cấm
không cho giết người như thế nữa.
Về sau họ thấy trong châu động dữ và đã mấy phen toan giữ lại lệ xưa
nhưng đều không thành.
Song cái tục vô đạo này tuy mất đi, cái linh thiêng của tà thần Văn Dú mỗi
ngày một lớn, lòng mê muội và khiếp sợ của người miền ấy ngày một tăng
thêm.
I
Một buổi chiều mùa đông, trời rét căm căm, mưa phùn bay mù mịt.
Từ miền bản Đông thuộc châu Kao Lâm đến mạn Văn Dú, có hai người
đàn ông Thổ đang rảo bước đi. Hai người mặc quần áo vải chàm; áo cộc
thắt lưng chẽn ngoài quần ngắn và chít ống. Một người trạc ngoại bốn
mươi, nét mặt già dặn, mắt sâu, miệng nhỏ, thở hơi ra như khói, cái quai
nón mắc xuống cằm đè lấy bộ râu lưa thưa còn lấp lánh những giọt nước
mưa. Thỉnh thoảng ông ta ngoảnh bảo người đi sau mấy lời. Người này
không nói gì cứ ra chân bước. Hắn còn trẻ; trông rắn rỏi và khỏe mạnh
không kém người trước; hai môi dẩu, trán nhô và cao; đầu quấn một cái
khăn lớn. Một tay hắn thủ vào trong áo, còn tay kia thì nắm một cái lao dài.
Hai người cứ trông thẳng phía núi đá mà tiến lên, lúc xéo lên những lối rậm
rạp bên đồi, lúc giẫm gẫy những nấm rạ cụt ở ruộng lúa. Qua hết đồi này lại
đến những gò khác; những bụi cây xanh mưa ám mỗi ngày một rậm, đồng
ruộng ngày một thưa; ngọn núi đá mờ mờ trong đám sương mù cũng ngày
một rõ.
Gió bấc thổi bên tai vù vù từng trận. Trước mấy rặng rừng hay trước những
khóm cây nặng nề ướt át, những làn mưa bụi trắng từng lớp bay qua.
Chân tay mặt mũi hai người tái cứng đi. Giá cấu chắc không biết đau, có lẽ
cũng không biết rét nữa. Quần áo phía trước, mưa hắt nhiều nên ướt đẫm.