Đúng hơn là một bãi rác hoang, ở đó là cả một đám đông nghèo nàn, hỗn
tạp, sống chui rúc với nhau như những ổ chuột. Hình ảnh thiếu thốn cực
nhọc của họ làm cơn giận của lão dịu xuống. Lão nghĩ tới những đứa trẻ
xanh xao suốt ngày lảng vảng như những bóng ma gầy ở mấy cái quán nhỏ
để tranh nhau liếm láp những cái lá bánh đầy ruồi bâu hoặc húp cho đến
những cặn cuối cùng của một bát ăn thừa.
Đó là sản phẩm mới mọc ra ở khu vực này sau một cơn đổi đời ghê gớm.
Đa số những con người vất vưởng này bị lùa ra từ những khu trại gia binh ở
gần mé chợ. Những người đi trình diện học tập không hy vọng có ngày trở
về. Những người mẹ mỏi mòn trong chờ đợi với một bầy con thơ ốm đau,
bệnh tật và no đói thất thường.
Họ xuất hiện ở đây từ ngày nào chẳng ai rõ, những khu đất trống cứ thấy
mọc dần lên những túp lều lụp xụp cất bằng đủ loại thứ vật liệu, những
mảnh giấy thùng, mảnh tôn, mảnh ván, những tấm nylon chắp vá đủ loại
mầu Và ở đó, những con người chui ra, chui vô, nét đói khổ in hằn lên từng
khuôn mặt xanh xao vàng vọt.
Cơn giận tan trong lòng lão Quới cũng nhanh như lúc nó ùa đến. Trong
cơn xuống dốc của toàn thể mọi người, lão cũng mới chỉ từ nồi cơm trắng
xuống đến rổ khoai luộc. Rổ khoai cho hai vợ chồng già, đèo đẹt vài củ,
nhưng bữa nào lão cũng được ăn no. Thời buổi này dầu là ăn gì, nhưng cứ
được no đã là quý. Trọn gần một đời người, lão chưa biết đến mùi đói khổ,
tuy nhiên lão đã thấy dấu vết hãi hùng của nó in trên những khuôn mặt trẻ
thơ quanh xóm, với lớp da ngả màu xanh mét, những hàm răng nhô ra và
những hố mắt sâu như lỗ đáo.
Một cơn xúc động chạy qua ý nghĩ của lão, bất giác làm lão buông một
tiếng thở dài. Lão trở lại với bộ điệu bình thản mọi ngày. Lão ngồi sụp
xuống, chậm rãi quơ từng sợi dây khoai đem xếp gọn ở một góc vườn rồi
dùng cây cuốc nhỏ vun lại đám đất vương vãi ở chung quanh. Làm xong
ngần ấy công việc thì vợ lão cũng đã giặt giũ xong mớ quần áo ở ngoài
giếng nước. Bà lão đem chậu đồ ra phơi ở những sợi dây mắc bên hàng rào.