- Ta cũng có đọc về chuyện đó rồi. - Singo đáp nhưng vẫn cầm lấy báo.
Ông còn nhớ chuyện người ta tìm được những hạt giống hoa sen hai nghìn
năm tuổi khi khai quật một di chỉ khảo cổ và một nhà bác học, vị "tiến sĩ
hoa sen" đã làm cho chúng nảy mầm, rồi sau đó những cây sen ấy đã ra
hoa. Lúc ông đọc bài báo viết về chuyện ấy, Kikuco vừa mới nạo thai xong
và đang còn nằm bệnh.
Sau này còn có thêm hai bài báo nữa viết về chuyện hoa sen.
Một bài kể chuyện nhà bác học nói trên đã phân chia các mầm sen như
thế nào và đem trồng chúng trong hồ của vườn trường Đại học Tổng hợp
Tokyo, nơi ông ta từng theo học ra sao. Bài thứ hai viết về chuyện hoa sen
ở Mỹ. Một giáo sư của trường Đại học Tổng hợp Tokyo đã tìm thấy ở Mãn
Châu Lý những hạt giống hoa sen đã hóa thạch và gửi chúng sang Mỹ. Tại
vườn thực vật quốc gia Washington, người ta đã tách lớp vỏ hóa đá của hạt
ra, bọc nhân hạt vào bông ẩm và nuôi chúng trong ống nghiệm. Năm ngoái
đây, các hạt ấy đã nảy mầm và năm nay, sau khi họ thả các mầm đó xuống
hồ, thì chúng đã nở được hai bông sen màu hồng. Các chuyên gia của vườn
thực vật đã nêu ra giả định, rằng các hạt giống nói trên là từ một ngàn năm
đến năm mươi ngàn năm về trước.
- Ta đã nghĩ ngay mà, - Singo cười bảo, - tính toán của họ có vẻ xê xích
quá thì phải... "Từ một nghìn năm đến năm chục nghìn năm" là nghĩa thế
nào?
Ông tiếp tục đọc nốt bài báo. Hóa ra là nhà bác học Nhật Bản, xuất phát
từ cấu trúc chất đất ở Mãn Châu Lý, đã kết luận rằng các hạt giống ấy hai
nghìn năm tuổi. Song người Mỹ đã đưa lớp vỏ hóa đá của hạt sen đi phân
tích bằng phương pháp phóng xạ, mà kết quả của nó chỉ ra là chúng một
ngàn tuổi. Hiện vấn đề này còn đang được tranh cãi.
- Dù năm mươi ngàn năm tuổi hay chỉ một ngàn, cuộc sống của hoa sen
cũng đã dài kinh khủng, đúng không? - Singo nói. - Cả một thiên thu so với