Nhưng đừng buồn, đừng lo, cứ chịu khó mà sống, mà phấn đấu với đời.
Cháu đừng khóc lóc khi nghe tin nầy : Cha cháu đã bị giết rồi.
Khải Hùng ngồi sụp xuống nền đất, gục đầu vào cột, cố giữ cho khỏi tiếng
khóc.
Ông cụ nói tiếp :
- Thôi, đừng buồn. Quan trên sáng mai sẽ cho bọn lính về đây giết luôn cả
cháu.
Thằng bé ngước mắt nhìn lên. Trong ánh đèn dầu lờ mờ, cụ già nhìn thấy
long lanh những ánh căm hờn trên cái khuôn mặt trẻ thơ. Cụ nói :
- Phải tự cứu thoát, đừng để phải chết một cách oan uổng. Cháu hãy ngồi
đây, từ đây bắt đầu cuộc đời lưu lạc của cháu. Hãy lo về nhà gói ghém áo
quần, tìm xem còn gạo muối và các thức ăn gì khác thì mang sang đây. Ta
cũng thu gói phần ta cho cháu.
Cụ Thiên Hộ lục lọi và còn bao nhiêu gạo, khoai, muối, mắm trong nhà gói
ghém cả lại. Khải Hùng cũng chạy sang, hai tay cầm gói nhỏ. Hai gia đình
đều nghèo, lâu nay bị loài thủy quái tác hại họ gần như cạn sạch cả thức ăn.
Cụ Thiên Hộ nhìn thấy Khải Hùng vẻ mặt rắn rỏi mặc dù đang tuổi thơ
ngây, lòng cũng hơi yên. Cụ tắt đèn và cùng đi với Khải Hùng ra bờ sông.
Bốn bề vắng lặng không nghe một tiếng động nào. Chỉ xa xa tiếng gà eo óc
và thỉnh thoảng giọt sương rơi nhẹ trên cành.
Cụ Thiên Hộ giúp Khải Hùng bỏ đồ vật xuống một chiếc thuyền chài nhỏ
của Khải Hòa cột ở ven bờ, rồi kéo đứa bé vào lòng, cụ bảo :
- Ta không biết sau nầy có gặp lại con đặng không nhưng cầu trời phù hộ
cho con trên bước đường phiêu lưu. Lúc năm sáu tuổi con đã biết nghiệp
bơi chèo thì bây giờ con phải tự chèo mà tìm nẻo sống. Mười hai tuổi đầu
vẫn là tuổi ăn chơi của những con nhà khá giả. Song chính vì ta nghèo mà
chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn, phải tập dạn dày, tu luyện sớm hơn để mà
đối phó với đời. Con có biết đời là gì không ? Là cơm ăn áo mặc hàng
ngày, là sự đối xử hàng ngày của ta đối với xã hội. Đời còn là bao nhiêu
tình thương, bao nhiêu tai họa, bao nhiêu nổi giận, bao nhiêu hạnh phúc.
Phải tập đón, tập đỡ, nhưng cuối cùng phải giữ lấy phần thắng cho mình.
Đời là một con thủy quái, con à. Không ai thắng được thủy quái một mình,