Hoàng cúi gầm mặt, cúi mãi không cách gì có thể ngẩng lên.
*
Hoàng biết mình không thể sống yên với xóm nhỏ này. Dân chúng không
còn tin Hoàng về canh giữ bãi dầu nữa, họ đã biết Hoàng về đây vì Thùy
Linh và chỉ vì Thùy Linh mà thôi. Họ còn biết chắc Hoàng là tên đào ngũ.
Phép lính trong chiến tranh chỉ một đôi ngày, dài lắm một tuần, chẳng phép
lính nào kéo dài gần ba tháng, cơ chừng còn kéo dài thêm nữa.
Hoàng có thể thú nhận với dân Xóm Cát anh đích thị là tên đào ngũ,
được không nhỉ? Chắc cũng chẳng sao. Xóm nhỏ này hơn nửa thế kỉ sống
biệt lập với xã hội thời bình lẫn thời chiến, đâu biết kỷ luật lính tráng là thế
nào, họ chỉ biết đào ngũ như trốn lính, đâu có gì quan trọng.
Ngặt nỗi nếu Hoàng thú nhận mình đào ngũ, anh về đây chỉ vì Thùy Linh
không phải về để canh giữ bãi dầu sẽ có ngay câu hỏi: Vậy năm chục phuy
dầu là thế nào đây? Chúng đã bị bỏ quên, năm chục phuy dầu đã bị bỏ
quên, trước sau gì Hoàng cũng phải thú nhận sự thật này. Đây mới là điều
kinh khủng. Không phải chuyện lãng phí, những người dân hồn hậu chất
phác ở nơi đây coi đó một trọng tội, tội lừa bịp dân chúng. Đã có một người
dân chết vì bãi dầu rồi, sẽ có nhiều người chết nữa một khi bãi dầu đã bị
máy bay Mỹ phát hiện.
Năm chục phuy dầu Xê Trưởng cho gửi ở đây đã bắt đầu gây họa. Quả
Rốc két đầu tiên làm mất một mạng người. Đấy chỉ là quả đạn thăm dò. Chỉ
cần chúng khui trúng một phuy dầu thôi, Xóm Cát sẽ biến thành tọa độ lửa,
mười một nóc nhà nơi đây khó lòng sống sót.
Tại sao bộ đội không về lấy dầu? Hoàng luôn phải đối diện với câu hỏi
ấy từ ngày về Xóm Cát. Câu hỏi rắp tâm bóc trần sự thật này: Hoàng đích
thị là một tên đào ngũ và đơn vị tên lửa của anh chẳng ai còn nhớ đã gửi
năm chục phuy dầu ở nơi đây, kể cả Xê Trưởng.
Gửi xong năm chục phuy dầu, tiểu đoàn tên lửa của Hoàng kéo ra Hà
Nội nhận khí tài, chuyển loại SAM 2 sang SAM 3, sau đó nhập vào một sư
đoàn mới lập. Kể từ đó tiểu đoàn của Hoàng có một cái tên mới, biên chế
vào một trung đoàn mới, chạy dọc đường Trường Sơn vào phía Tây sông