mỗi báo mình, chỉ mỗi em chống tiêu cực thôi chắc? Mình không làm thì
báo khác nó làm. Chúng nó thôi không đào mồ mả đợt này thì sẽ đào mồ
mả đợt khác. Vấn đề là phải làm sao chặn đứng chúng nó lại chứ không
phải nhắm mắt làm ngơ.
Hoàng xoa đầu Ly Ly. Em ngây thơ lắm em ơi! Em tưởng nhờ mấy cái
phóng sự của em mà cuộc đời tươi sáng lên sao? Em biết thừa quét sạch
tiêu cực hoặc là một khẩu hiệu trống rỗng hoặc là ngọn cờ của phe phái nào
đó được phất lên để đè bẹp một phe phái khác. Quét làm sao khi nguồn gốc
của nó vẫn nguyên xi? Hả, em nói anh nghe, quét làm sao!
Ly Ly chẳng còn hứng thú gì để tranh cãi với Hoàng. Cô biết Hoàng vốn
không thiết tha với những vụ tiêu cực, nếu không muốn nói là chán ngấy.
Có lẽ trời sinh ra anh để viết văn, những gì nổi lềnh phềnh trên bề mặt bể
dâu chẳng làm anh động lòng. Nhà văn ai cũng thế, mưu toan chui xuống
tận đáy cuộc đời để tìm ra câu hỏi lớn, rốt cuộc chết chìm bởi câu hỏi đó,
chết chìm hết thảy. Luôn lo sợ kẻ khác lòe mình, để trốn chạy sự lòe bịp
của kẻ khác, họ nấp vào sự lòe bịp của chính họ. Và dương dương tự đắc,
ngực vỗ mặt vênh rằng đã quơ được cả càn khôn bỏ túi.
Giao du hầu hết đàn ông gọi là kẻ sĩ ở Hà Thành, Ly Ly thấy chỉ có
Hoàng là phức tạp nhất. Có lẽ chỉ vì cô đánh giá Hoàng quá cao, tự thổi
phồng Hoàng rồi chui vào đấy, rối lên không tìm được lối ra. Mẹ khỉ, có
khi thế thật.
Có thể Hoàng tự tách mình ra khỏi những cuộc chơi đã vô bổ lại nguy
hiểm, lối tính toán tầm thường bất kì ai đến cái tuổi gọi là tri túc. Thế thôi.
Hoàng chỉ thế thôi, cho dù sau này người ta có đúc tượng phong thánh cho
anh thì rốt cuộc anh vẫn là một gã đàn ông ươn hèn, ích kỉ.
Nói đi chứ! Nói gì thì nói đi chứ, cứ lừ lừ nhìn nhau thế này a? Cái mặt
điên tiết của Hoàng trông thật buồn cười, nó chành bành ra hai bên mang và
đùn lên ở giữa. Hệt cái l. trâu chửa, ví von của lão Bốn thật tởm nhưng mà
đúng. Nếu thích, anh cứ về Hà Nội trước. Em phải khui cho được vụ này.
Ly Ly buông một câu hờ hững, cô cũng chẳng biết mình nói thật hay chỉ
dỗi một câu cho xong.