khi quay lại Kêbếch. Angielic chìa tay ra cho hai vị quý tộc hôn và tha lỗi
cho họ.
- Đó là một bậc mệnh phụ cao quý - nam tước Đácrơbuxt nói - Tôi thề là bà
ấy đã được đón tiếp trong tất cả các salông của Pari và thậm chí cả ở trong
triều nữa chứ, chỉ cần nhìn cách bà ấy chìa tay ra cũng đủ biết.
Trong suốt cuộc nói chuyện đầy sóng gió với hai nhà quý tộc, Angielic
không hề biết có chồng mình đứng nghe. Bá tước lẳng lặng rút lui. Ông chờ
nàng kể cho mình nghe sự cố ấy, nhưng nàng đã im lặng. Nàng cũng đã cân
nhắc và cho rằng câu chuyện kia không đáng phải nói đi nói lại làm gì.
Chưa cần trong lúc này! Có thể sau này nàng sẽ nói nếu câu chuyện kia có
nguy cơ gây tổn hại cho họ. Nàng chỉ e ngại những phản ứng của Perắc khi
biết chính nàng là nguyên nhân mọi chuyện rắc rối. Mặt khác, nhờ những
điều giải thích cho hai vị đại diện Canada để nàng lôi kéo thêm được hai
đồng minh đáng tin cậy về phía họ. Hai nhân vật có
thế lực ở Canada đã phải ủng hộ nàng.
Cha Maxêra không tỏ vẻ thù địch gì. Còn Cavơliê đờ La Xan thì đã nhận
được tiền cho chuyến đi của mình rồi nên có là Quỷ hay Chúa ông ta cũng
chẳng thèm để ý tới. Đối với ông ta, chỉ có mỗi việc thực hiện các dự kiến
của ông ta là đáng để tâm. Trước một người sắt đá, có đầu óc vật chất, bị
hút hoàn toàn vào các công việc của mình như ông ta, người ta phải tự hỏi
không hiểu vi cớ gì mà con người trẻ trung, lạnh lùng và bạo gan này lại có
thể nghĩ rằng mình sinh ra là để đi tu trong mười năm ròng.
Chừng nào Angielic còn ở giữa những người của mình trong trại, thì nàng
không có gì phải sợ hãi cả. Hoàn cảnh của nàng khác hẳn hoàn cảnh mà
Perắc phải đương đầu khi người ta kết tội ông là phù thủy và vào lúc mà
Đức Vua và Tòa án dị giáo có quyền xía mũi vào khắp mọi nơi, thậm chí
vào tận lâu đài của họ.
Tự do! Nàng bắt đầu hiểu rõ hơn ý nghĩa đích thực của hai từ đó khi đưa
mắt nhìn khắp các ngọn núi tuyết phủ trắng toát đứng sừng sững. Đây là
một vương quốc không vua chúa, không chủ hầu và chẳng cần đếm xỉa đến
những quyền hành của ĐứcVua nước Pháp hay nước Anh.