báo cũ, hay “chạy mánh” ở các chợ trời mà vẫn còn vinh dự hơn con trai
của người “xâm chiếm miền Nam”. Cho dù ông Thanh đẹp trai vượt hẳn
những người thanh niên bắc 75 đương thời như thế nào và được tiếp đón ân
cần của chị cô ra sao thì dưới mắt cô lúc ấy ông chỉ là kẻ cừu địch chứ
không thể nào là anh rể của cô.
Sau tháng tư năm 1975, cô Kim Cúc biết có rất nhiều thanh niên miền
Nam bỏ nước ra đi cho nên tình trạng “trai thiếu gái thừa” sau chiến tranh
càng trở nên trầm trọng hơn, tuy nhiên, cô luôn luôn đặt một quy luật cho
mình là cô có thể thành gái già suốt đời hoặc là chỉ lấy người chồng cùng ở
miền Nam trước đây mà thôi. Lúc ấy cô còn nghĩ là cô sẵn sàng lấy một
người thanh niên miền Nam đạp xích lô, đạp ba gác, đứng đường buôn bán
ở chợ trời, bán nhôm nhựa, bán ve chai, bán thau đồng, giấy loại hoặc
những thanh niên, và những đàn ông trở về từ những trại tù cải tạo còn hơn
lấy những kẻ có quyền lực bởi chiến thắng. Cũng lúc ấy, cô tưởng là chị cô
cũng có cùng ý nghĩ với mình và cả hai người sẽ không bao giờ bị những
lời châm biếm đàng sau lưng như “Khéo thay cái cảnh gió phất chiều nào
theo chiều đó!”, “Thứ phản thùng!”, “Đổi đời, đổi người cứ như trở bàn
tay”, “Con Ngụy mà khéo thay cờ lập công theo Cách Mạng!”. Nghĩ đến
những ánh mắt khinh bỉ ngấm ngầm của những người hàng xóm và tình
cảnh của gia đình, cô đã hết lời khuyên nhủ cô Bạch Mai bình tâm suy
nghĩ những gì nên và không nên làm; thế mà, người chị ruột của cô một
mực ngoan cố với cái tình yêu mà chị ta đang có. Bất cần sự chấp thuận của
“Ngụy” hay “Cách Mạng”, bất cần chuyện cưới hỏi của gia đình mình hay
gia đình của người mình yêu, bất chấp được hay không được chứng thực
hôn thú của chính quyền đang hiện hành, sau chuyến nghĩa vụ lao động sáu
tháng, cô Bạch Mai đã trốn cùng cậu Thanh về Bình Dương sống với gia
đình ông cụ Phúc cho đến khi sinh cậu Bình. Cõi lòng tan tác với tuyệt
vọng và oán hờn, cô Kim Cúc tuyệt giao tình chị em với cô Bạch Mai rồi
chuyên tâm lo giúp mẹ chạy tiền thăm nuôi bố. May mắn cho cô là cô đã
được cô Thu, chỉ mối cho cô trốn ra khỏi nước cùng với nhóm người tổ
chức vượt biển mà trong đó có cả ông Hoàng, anh trai thứ ba của cô Thu,
người vừa trở về Sài Gòn từ sau hai năm ở trại cải tạo và sống lén lút ở Sài