Gòn như một kẻ vô gia cư.
- Tất cả đều là dĩ vãng của quá khứ, giờ hai chị nên bỏ qua chuyện cũ
mà “hợp tác” chăm sóc bác gái đi! Nhìn bác yếu ớt kiệt cạn như thế này
chẳng biết ra sao, thấy thương quá!
Tiếng nói của bà Thu cắt dòng tư tưởng và đưa bà Kim Cúc vào thực
tế. Vân vê ly nước trong tay và lau những giọt mồ hôi lạnh đọng ngoài ly,
bà Kim Cúc chợt thấy bùi ngùi. Sự tuyệt giao của bà đã khiến mối quan hệ
dì cháu trở thành xa lạ vậy mà đứa cháu kêu bà bằng dì không một chút oán
hờn. Bà nói với cậu Bình:
- Dì có mua cho cháu nhiều quà lắm.
- Cảm ơn dì! Ở đây cháu cũng có đủ thứ, không cần gì cả ạ!
Ngượng nghịu trước sự từ chối thẳng thừng của đứa cháu, bà Kim Cúc
quay sang ông Thanh và bà Bạch Mai hỏi lảng sang chuyện khác:
- Anh chị chỉ có một cháu từ nào đến giờ?
- Một cháu là đủ rồi em ạ. Tiêu chuẩn “Nhà Nước” cho mỗi gia đình
hai con, nhưng hoàn cảnh gia đình này có một là đủ. Ông Thanh trả lời.
Bà Bạch Mai vội vàng nói:
- Chả phải bởi “Nhà Nước” gì cả em ạ! Anh chị có làm gì cho “Nhà
Nước”, có là Đoàn viên, hay Đảng Viên đâu mà sợ kế hoạch hay chỉ tiêu.
Nhiều con càng phải lo nhiều, có một đứa lo cho nó nên thân là đủ!
Ông Thanh ngơ ngác nhìn vợ rồi nói theo một cách dè chừng:
- Đúng rồi! Anh chị chả làm gì cho chính quyền hay “Nhà Nước” cả!
Làm tiểu thương, bán bánh cuốn cho cả xóm này được bằng mấy lần lương
“Nhà Nước” đấy em!
- Vậy còn hai bác bên ấy như thế nào? Bà Kim Cúc hỏi xã giao.
- Bố mẹ anh đều chết cả rồi. Mẹ anh thì chết cách đây bốn năm. Bà bị
chứng viêm khớp kinh niên từ sau khi sinh anh non một tháng vì phải ngâm
mình dưới nước cả ngày lẫn đêm trốn “địch” trong khi chiến đấu ở Trường
Sơn cơ! Còn bố anh cũng chết sau bà một năm, bác sĩ chẳng nói rõ ông bị
chứng bệnh cụ thể gì, lúc thì nói phổi lúc thì bảo suyễn, lúc thì bảo suy tim.
Vợ chồng anh lo chạy chữa mà chẳng xong. Ông mất vào tháng sáu năm
1996.