Cung Thị Lan
Tình Trên Đỉnh Sầu
Chương Hai Mươi Bốn
Vẫy tay chào con bé Lisa trên chiếc xe gắn máy của cậu Bình, bà Kim Cúc
dõi mắt trông theo hai chiếc xe của ông Thanh và cậu Bình khuất dần nơi
đầu hẻm đưa ra đường lớn Lê Văn Sỹ. Bức tường của căn lầu hướng mặt về
phía con đường lớn, những căn nhà nối liền nhau trước nhà và ngã tư của
con hẻm ngay trước góc nhà bà Bạch Mai đã gợi lên cho bà biết bao kỷ
niệm ngày xưa. Cũng trong những buổi chiều năm nào, tại cái góc quen
thuộc của lan can này bà thường đứng ngắm những tia nắng nhạt dần từ ngã
tư của con hẻm đến những cánh cổng sắt của các căn nhà kề cận nhau ở các
con đường trong xóm, lên tới các giàn dây leo đầy các loại hoa đủ màu,
tận đến các vòm cây rồi từ từ biến mất trên các nóc nhà lầu. Trong những
buổi chiều nhạt nắng như thế bà thường mơ mộng nhiều điều xa xôi khó
hiểu nhưng rõ ràng nhất là sự an ổn của đất nước để gia đình bà có được sự
hiện diện của ông Đức, người cha đáng kính của bà.
“Giờ ta còn đứng đây, giữa trời hắt hiu. Trời không một chút mây đã
khô cằn như trái tim. Sao ta còn đứng mãi như người tình mong đợi ai. Sao
ta còn đứng mãi để nghe tâm hồn tê tái ...”
Tiếng nhạc êm dịu vang lên từ chiếc cát sét trong căn gác đàng sau lưng
cho bà hiểu người chị ruột của mình đã cố tình gợi thêm cho bà những kỷ
niệm cũ bằng những bài hát mà bà thường nghe trước năm 1975. Không
những chỉ là thế, những lẵng hoa mười giờ đủ màu treo lủng lẳng quanh
trước hiên gác, chậu hoa cúc vàng cạnh chậu rau quế là những vật kỷ niệm
có lẽ được tạo dựng lại trước ngày bà về nước nhằm gợi cho bà những gì bà
đã mất sau hai mươi lăm năm.
Bâng khuâng sờ các lẵng hoa bằng vỏ trái dừa treo ngang đầu, nhè nhẹ mơn
man những búp cúc vàng dưới chân rồi nồng nàn ngửi mùi lá quế, bà Kim
Cúc lâng lâng với tâm trạng trở về thời gian yêu dấu xưa. Bà nhớ ngày đi
chơi Bình Dương năm nào đã nằng nặc xin người em trai họ những chiếc
vỏ dừa do anh ta chạm khắc để trồng các loại hoa mười giờ trang điểm