quanh trước hiên gác. Bà nhớ buổi tối dạo chợ tết Nguyên Đán đã vòi bà
Bạch Mai mua cho bằng được hai chậu hoa cúc màu vàng tươi mát. Bà nhớ
những buổi chiều đã chăm chút chậu rau quế đầy um những ngọn lá xanh
tốt cho món bánh cuốn mà mẹ, chị và bà thường làm trong những ngày chủ
nhật. Bà nhớ rõ những ngày chủ nhật trước năm 1975 ba mẹ con bà, bà cụ
Đức, bà Bạch Mai và bà, thường xúm xít khuấy bột, xắt thịt, lột hành tím,
cắt nấm mèo, làm nước mắm xôn xao chờ đón ông cụ Đức về dùng. Bà nhớ
những lúc như thế, xuyên qua vách tường mỏng với các nhà bên, bà thường
nghe những tiếng nước máy chảy, và tiếng chén bát rửa loảng xoảng. Cũng
qua các bức tường sát chung với nhau ấy, bà, và có lẽ những người khác
trong xóm, thường nghe những tiếng gọi, tiếng nói, tiếng cằn nhằn, và tiếng
than thở của nhau. Ngoài ra những người trong xóm còn có thể nghe những
tiếng hát cải lương, tiếng hát vọng cổ, tiếng ca của những bài tân cổ đã
được phổ biến hoặc mới được lưu hành của thời ấy như “Võ Đông Sơ và
Bạch Thu Hà”, “Chuyện Tình Lan và Điệp”, “Chuyện Tình Người Trinh
Nữ Tên Thi” hay “Cô Thắm Về Làng”. Các đoản khúc như “Trời ơi! Bởi
sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn nên Võ Đông Sơ dành chia tay vĩnh viễn
Bạch Thu Hà ...”, hay “Điệp ơi mai này lên chốn phồn hoa nhà xe lộng lẫy
xin anh đừng quên bến đò xưa con sông nhỏ chốn quê xưa em vò võ mong
chờ” hay “Thi ơi, Thi ơi, Thi. Thi biết, biết không Thi? Khi con tim yêu
đương là sống với đau thương, khi con tim yêu đương là chết với u sầu thì
Thi đã biết cớ sao Thi buồn” hay “Ô kìa ai như cô Thắm trông dáng hoa
gấm hoa trang đài. Thế mà hôm nay cô Thắm không khác chi các cô nàng
ta. Nón bài thơ nghiêng trong nắng tà. Áo bà ba duyên quê ấy mà cùng chị
em chân dép cô đi chợ xa. Thì ra cô thắm ăn ở theo thưở theo thời. Bao
người thương, bao chàng mê. Làng trên xóm nô nức xa gần. Bà con cô bác
ai nấy khen thầm: Ước chi ta có dâu là nàng....” lập đi lập lại ngày này qua
ngày khác khiến cho bà thuộc lòng và biết thêm các nhân vật Võ Đông Sơ,
Bạch Thu Hà, Lan, Điệp, Thi và Thắm. Cũng ngày xưa, ngoài những bài ca
mộc mạc từ những chiếc máy thu thanh và cát sét của các nhà trong xóm,
bà còn nghe những tiếng rao hàng khác nhau, liên tục và không thôi từ lúc
sáng sớm đến tận chiều tối. Nào là “Bánh mì, bánh mì Sài Gòn nóng dòn