ở các nước châu Âu - Bà Kim Cúc lầm bầm và tin chắc rằng người thanh
niên này hoàn toàn thật sự mất trí như ý nghĩ nghi ngờ trước đó; nhưng bà
vẫn cầm cành hoa cúc tươi mát trên tay.
Anh Duy Anh đặt chiếc áo khoác của anh qua vai của bà Kim Cúc đồng
thời kéo tay bà đến tận gốc cây sồi, và bà, đột nhiên, răm rắp bước theo anh
như một đứa trẻ ngoan ngoãn. Lúc ấy, mùi xào nấu kho chiên khăm khẳm
của chiếc áo khoác đã làm tê liệt hoàn toàn ý nghĩ bực bội của bà, đã xóa
bỏ tất cả những cảm nhận thực tại mà bà đang hiện hữu và thay chúng bằng
những hình ảnh của quá khứ.
Năm 1979, khi đặt bước chân đầu tiên trên đất Mỹ bà chỉ vừa đúng
hai mươi ba tuổi. Đơn thân và xa lạ trên xứ người, bà chỉ biết bám vào hội
từ thiện bảo lãnh bà. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ hạn chế của hội, bà đã
không có được tất cả những nhu cầu cần thiết mà bà mong muốn. Bao
nhiêu mơ mộng về chỗ ở tiện nghi, việc làm thuận lợi và sự tiến thân trên
con đường học vấn khi còn ở trại tị nạn Thái Lan vỡ tan tành theo mây khói
bởi những thực tế mà bà đối diện vào những ngày mới đến xứ cờ sao. Đến
chỗ xin trợ cấp xã hội với người thông dịch miễn phí, bà mới vỡ lẽ ra là số
tiền chính phủ cho người tị nạn vừa ít ỏi vừa giới hạn trong khoảng thời
gian nhất định. Số tiền trợ cấp hàng tháng không đủ để thuê nửa căn phòng
chiếc nhỏ nhất của một cư xá nghèo nàn và hạn định trợ cấp cho người có
bằng trung học như bà chỉ là sáu tháng. Hoài bão được vào học Đại Học để
tiếp tục con đường học vấn bị dang dở tại Việt Nam hoàn toàn bị hủy diệt
ngay khi ngưòi làm công tác xã hội và thông dịch tiếng Việt cho biết là bà
phải lấy các lớp Anh Văn dành cho những người sử dụng Anh Văn như
ngôn ngữ thứ hai trước khi ghi danh thi vào trường Đại Học. Cô thông dịch
tiếng Việt còn cho biết dù muốn ghi danh vào một trường Đại học có học
phí rẻ mạt tại Hoa Thịnh Đốn như đại học U. bà cũng phải có một trình độ
Anh văn tối thiểu để đậu các môn thi vào trường như Anh văn và Toán và
phải có một số tiền dành cho học phí trước khi làm đơn trong khi chờ tiền
trợ cấp học bổng của chính phủ. Lúc đó, chặng đường vào Đại Học đối với
bà cứ như chặng đường lên núi cao thăm thẳm và mơ ước thành y tá của bà
như một phiến mây mỏng mảnh trên bầu trời xám đen. Các chi phí dồn dập