rất kỹ, và còn đang học cách dùng đũa để gắp thức ăn như người Việt mình
nữa đó. Con phục tính tình của chị và ngưỡng mộ tình yêu giữa chị ấy với
anh Phụng. Còn ba, đáng tiếc là tình yêu mà ba hy sinh cho dì Hoa không
phải là tình yêu muôn thưở.
Bà Kim Cúc thất sắc:
- Ý của con như thế nào? - Con nghe dì Hoa đã đem Tony bỏ ba đi
từ lâu rồi. Hiện giờ ba chỉ ở một mình thôi.
Nhận ra khuôn mặt trắng bệch của bà Kim Cúc, cô Loan vội vàng hỏi thêm:
- Mẹ, có khi nào mẹ tha thứ cho ba không? Có khi nào mẹ nghĩ là mẹ
cho phép ba trở về ở cùng với chúng ta như ngày xưa không?
Bà Kim Cúc hoang mang lắc đầu:
- Mẹ không biết con ạ. Mẹ không biết là ba có muốn trở về không; còn
trái tim của mẹ thì đã héo khô. Mẹ nghĩ là mẹ không còn đủ sức để yêu ai
và không thể làm cho ai yêu mình được nữa.
Cô Loan cúi đầu với giọng nói trầm buồn:
- Như vậy hóa ra người ta khó mà tha thứ cho nhau phải không mẹ?
Chuyện của mẹ và ba chẳng khác nào chuyện của những người Việt khác.
Cái khoảng cách giữa những trái tim khô héo và những trái tim trăn trở
không bao giờ có thể được nối gần.
- Có thể lắm chứ con! Nếu đó là sự an bài của thượng đế hay chính
bản thân chúng ta. Sự hàn gắn có thể dựa trên bài học của quá khứ và sự
đồng lòng cải thiện với tấm lòng thành. Nhưng mà khi chúng ta nhận được
sai lầm của người khác thì bản thân người ấy cũng đã nhận ra sai lầm của
họ phần nào và tự sửa chữa, dù không nói ra.
- Đúng vậy mẹ ạ! Con tin người Việt Nam có bản chất thông minh.
Bà Kim cúc gật đầu dù không hiểu ý cô Loan muốn ám chỉ người Việt
Nam trong tình hình mâu thuẫn tư tưởng và quan điểm hay chuyện ly cách
của vợ chồng bà. Tuy nhiên, bà đã mỉm cười, thay đổi đề tài:
- Thế còn cô bác sĩ Loan của mẹ thì sao?
- Con hả? Sau khi lấy bằng bác sĩ con sẽ tiếp tục về Việt Nam mỗi hè
để giúp đỡ những Hội thiện nguyện như hiện nay, hoặc là....
Bà Kim Cúc hỏi dò ngay sau câu bỏ lững của cô: