khác mà còn biết nói, đọc và viết tiếng Việt thông thạo. Chính cô Oanh là
người chỉ cho ông cụ Đức và bà chỗ dạy tiếng Việt và các lớp dạy các môn
học khác như toán, lịch sử do hội người Việt tổ chức tại các trung tâm thiện
nguyện ở Maryland.
Nhìn từng người thợ đang chăm chú làm việc của họ, bà Kim Cúc sung
sướng mỉm cười vì tự nhận thấy mình là một người chủ may mắn. Đa số
các cô thợ nữ của bà là những người có tay nghề cao, làm việc chăm chỉ và
nhất là không có tính “nhảy tiệm” như những người thợ ở các tiệm móng
khác mà bà biết. Trong ý nghĩ của bà, những người thợ “con lai” này là
những người có tài, sáng tạo và chăm chỉ. Bà luôn luôn cho rằng họ là
những người kế thừa giọt máu của sự thông minh nên mới có thể thu thập
kiến thức cần thiết cho việc làm và nhu cầu đời sống tại Mỹ một cách mau
chóng. So sánh trình độ học vấn thấp kém và không được may mắn của họ
với trình độ Đại Học năm nhất của mình ở Việt Nam, bà thầm khâm phục
những kết quả vượt bậc mà họ đạt được như có bằng lái xe, và bằng làm
móng tay. Chỉ có chuyện mà bà cảm thấy trớ trêu là chuyện họ cố gắng đeo
đuổi học thi vào Quốc Tịch Mỹ. Bà thường hỏi họ với một giọng nói bất
bình “Cha ruột của các em nguyên thủy là người Mỹ, những người lính Mỹ
ở tại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975, thì tất nhiên các em là công dân
Mỹ, cần gì mà phải thi vào Quốc Tịch Mỹ nữa chứ?”. “Sinh đâu có quốc
tịch nơi đó mà chị! Tụi em sinh tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam
thôi!” Cô Minh đáp lại với giọng nói hùng hồn.”Không phải! Tụi mình đâu
phải là người Việt! Tụi mình là Con Lai ! Là người Việt lai Mỹ!” Cô Hằng
tranh luận bằng giọng nói chua chát. “Thân phận người có hai giòng máu
như tụi em phải chịu khổ như vậy đó chị Ann. Ai biểu sao tụi em phải làm
như vậy chứ biết làm sao hơn!” Cô Liên bồi thêm với giọng đắng cay
không kém gì cô Hằng. “Từ từ chính phủ Mỹ cũng lo cho mình thôi. Họ đã
lo được việc bảo lãnh cho tụi mình sang đây thì chuyện lo cho mình trực
tiếp vào công dân Mỹ mấy hồi? Tui nghe người ta đồn ì xèo là chính phủ
Mỹ đang tiến hành lo cho con lai tụi mình vào Quốc Tịch Mỹ thẳng mà
không cần phải thi nhưng tui chưa biết lúc nào và chỗ nào để nộp đơn
thôi.” Cô Kim phản bác. Trái với các cô kia, cô Oanh không hề tham gia