trong chuyện trách móc, mỉa mai, oán hờn bất kỳ chính phủ nào nhưng
cũng không tin chính sách ban ơn bất ngờ của chính phủ Mỹ về chuyện cho
con lai vào thẳng Quốc tịch. Cô đã học ngày học đêm các câu hỏi ngay sau
khi nộp đơn thi và cuối cùng cô đạt kết quả mỹ mãn khi nhận giấy báo.
Tấm bằng mà cô khoe trong tiệm đã khiến cho cả đám thợ rối rít hỏi xin
các câu hỏi, tìm thêm tài liệu, mua băng, ghi danh thi với kỳ vọng được đậu
vào Quốc tịch như cô ta. Và như thế, song song với những việc làm móng
trong tiệm, đám thợ của bà Kim Cúc còn phải lo học thi. Những tờ giấy cóp
pi vấn đáp song ngữ trong các ngăn kéo của bàn làm việc của họ luôn luôn
được lấy ra và lẩm bẩm đọc như niệm kinh mỗi ngày.
Khách không hẹn và có hẹn vào tiệm tấp nập khiến bà Kim Cúc phải chấm
dứt suy tư và đứng dậy đi vào trong tìm cô Vân. Ngang qua bàn làm việc
của các cô thợ, bà mỉm cười với ý nghĩ rằng bất kể những người thợ của bà
muốn tranh cãi, học hành hay giải trí như thế nào trong những phút rảnh rỗi
miễn là họ làm việc siêng năng và đem lợi tức cao cho tiệm là đủ.
Anh Duy Anh tiến đến gần bà với tấm biên lai:
- Chị có thể giúp em tiếp người khách này không? Từ lúc cô Cindy về Việt
Nam ăn Tết ông ta thường yêu cầu chị làm cho ông ta mà thôi.
- Được! Thấy khách đông quá nên tôi đang định nhờ Vân chùi nước sơn cũ
cho một vài người trước khi họ gặp thợ.
- Mình không cần phải lo như vậy vì họ đến trước giờ hẹn. Chị chỉ cần giúp
em phục vụ cho người khách yêu cầu này là được rồi.
- Không thành vấn đề, ông này là khách cũ của tôi trước khi tôi nghỉ bệnh -
Bà Kim Cúc trả lời trong khi nhìn tấm biên lai rồi ngẩng đầu, hỏi anh Duy
Anh - Tiện đây tôi muốn hỏi là em đã có tên Mỹ chưa?
- Dạ có, tên Mỹ của em là Jones. Em chỉ mới đặt hôm nay thôi bởi vì em
không muốn khách nhầm lẫn giữa Ann và Anh.
Bà Kim Cúc gật đầu tỏ vẻ hài lòng rồi bước ra phía trước.