Thể thao bao giờ cũng nói thật; đó là một trong những nguyên tắc
của nó.
- Chết ư? – Tix-tu kêu - Nhưng có chiến tranh đâu.
- Không cần chiến tranh để chết. Chiến tranh chỉ là cái chết phụ…
Bác Râu-mép-dài chết vì bác già lắm rồi? Mọi cuộc đời đều kết thúc như
thế.
Tix-tu cảm thấy trời đất tối sầm và ngột ngạt. Đấy là những dấu hiệu
của nỗi bứt rứt mà người lớn tưởng chỉ mình mới có, song ngay những em
nhỏ trạc tuổi Tix-tu cũng kinh qua, nỗi bứt rứt có tên là buồn phiền.
Tix-tu ôm lấy cổ con ngựa và gục đầu vào bờm nó mà khóc mãi.
- Khóc đi, Tix-tu, cứ khóc đi. - Con Thể thao nói - Khóc là cần nhất
đấy. Người lớn tự kìm, không khóc. Thế là họ nhầm, bởi vì nước mắt sẽ
đông lại, giá ngắt ở trong lòng, đó chính là điều làm cho tim họ quá cứng
rắn.
Nhưng Tix-tu là một em bé kỳ lạ, không chịu bó tay trước bất hạnh,
nhất là khi em chưa đến chạm hai ngón tay cái vào.
Em lau nước mắt và cố suy nghĩ một cách rành rọt.
“Trên trời hay dưới đất?” – em nhắc lại.
Em quyết định sẽ đến nghĩa địa sớm nhất. Hôm sau, sau bữa trưa,
em ra khỏi vườn và chạy đến nghĩa địa ở lưng chừng đồi. Một nghĩa địa
đẹp, đầy cây và chẳng buồn chút nào.
Thấy những cây trắc bá đen nhánh, em nhủ: “Trông chúng y như
những ngọn lửa đêm cháy ban ngày vậy”.
Em thấy một người làm vườn quay lưng lại với em đang cào lá trên
lối đi. Em bỗng hy vọng rồ dại rằng đó là… Nhưng người làm vườn quay
lại. Đấy là một người làm vườn bình thường ở nghĩa địa, không có gì giống
với bác Râu-mép-dài mà em muốn gặp.
- Xin lỗi bác, bác chỉ dùm bác Râu-mép-dài ở đâu ạ.
- Hàng thứ ba bên trái, - bác làm vườn đáp, tay vẫn làm việc.
“Chính ở đây…”, Tix-tu nghĩ.
Em đi theo hướng được chỉ, len lỏi giữa các nấm mồ, dừng lại trước
nấm cuối cùng, còn mới tinh. Trên tấm bia đá, có thể đọc được những dòng