Các bà nội trợ cũng vậy, muốn làm việc nhà cho có hiệu quả thì trước hết
phải yêu công việc nhà. Chúng tôi nói yêu công việc nhà chứ không nói yêu
chồng con. Yêu chồng con là một sự dĩ nhiên rồi. Nhưng yêu chồng con chưa
phải là yêu việc nhà.
Tôi thấy có nhiều bà chịu đầu tắt mặt tối xoay xở mọi cách để kiếm thêm
tiền cho gia đình, lúc nào chồng con đau yếu thì lo lắng lắm, tận tâm chạy
thuốc thang; nhưng công việc bếp nước, vá may thì lại chểnh mảng. Những bà
đảm đang ấy yêu chồng con chứ không yêu việc nhà và thích buôn bán làm ăn
hơn là công việc nội trợ.
Trời sinh có những người đàn bà như vậy và thân mẫu tôi là một trong số
phu nhân đáng trọng ấy. Từ mờ sáng người đã đi buôn bán, sẩm tối mới về
nhà. Ăn uống xong là tính toán tiền nong hoặc đi đòi công nợ, mọi việc trong
nhà đều cậy bà ngoại tôi hết. Có vậy người mới nuôi nổi một mẹ goá và bốn
con côi. Một khi nghĩ tới người là tôi nhớ ngay 2 câu thơ của Tú Xương:
Quanh năm buôn bán ở ven sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng
Những bà đảm đang ấy tất nhiên không có thì giờ lo việc nhà, mà nhiều khi
cũng không thích việc nhà vì gia đình không phải là khu vực để các bà đem tài
ra thi thố.
Nếu độc giả nào tự xét mình thuộc vào hạng ấy thì tôi không dám khuyên
nên làm trái sở năng và thị hiếu của mình làm chi. Các bà cứ lựa người nào
đáng tin cậy mà giao cho công việc trong nhà rồi đem tài, trí giúp chồng con
trong những việc ở ngoài. Chồng con bị thiệt về phương diện này nhưng được
lợi về phương diện khác. Tuy vậy, các bà ấy cũng nên bỏ ra vài giờ đọc cuốn
này để biết ít nhiều quy tắc hầu phân phối và kiểm soát việc nhà cho có hiệu
quả, vì tuy lo việc ngoài mà vẫn phải để mắt vào việc nhà.
Còn độc giả nào vốn không thích việc nội trợ mà đành phải làm nó, vì lẽ này
hoặc lẽ khác, thì tôi khuyên nên ráng thích nó đi.
Lo nồi cơm trách mắm, mua mớ cá lá rau, ngày nào như ngày nấy, làm hàng
chục những việc lặt vặt, kể cũng không lấy gì làm thú lắm thật. Tất nhiên là