Ông Dale Carnegie, trong cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống” kể chuyện
một cô tốc ký giúp việc một công ty dầu lửa. Cô phải làm một việc chán nhất
trần ai là biên số và tên người vào những tờ giấy phép in sẵn. Một hôm cô
quyết định làm cho công việc đó hóa vui để có thể sống mà chịu nổi nó được.
Cô nghĩ ra cách thi đua với cô mỗi ngày. Buổi sáng cô đếm xem biên được bao
nhiêu tờ rồi buổi chiều ráng biên được nhiều hơn. Cuối ngày cô cộng lại xem
được bao nhiêu tờ rồi bữa sau ráng làm hơn số đó. Kết quả là cô hết thấy chán,
hết thấy mệt mà hoá ra hăng hái hơn, đắc lực hơn.
Bà có thể theo phương pháp đó. Bà thấy công việc nấu cơm chán lắm ư? Thì
sao không nghĩ cách làm cho mau hơn? Hôm nay mất 45 phút. Ngày mai ráng
rút đi, còn 40 phút. Ngày nay tốn bao nhiêu than, ngày mai thử tiết kiệm số
than xem được không?
Trong bất kỳ việc gì, ta cũng có thể ganh đua với người và cả với ta; như
vậy là được cái lợi là công việc hóa ra một sự thử thách đầy hứng thú.
Có tinh thần ấy tức là bắt đầu bước vào môn tổ chức công việc vì mục đích
của môn này là để rút thì giờ, sức lực và tiền bạc. Và, biết đâu đấy, do kinh
nghiệm và sáng kiến của bà, bà chẳng kiếm ra được nhiều cách may vá, nấu
nướng để chỉ bảo kẻ khác rồi làm giàu nữa?
Trong bài “Em bé là một mỏ vàng”
tác giả là Bill Davidson, kể chuyện có
nhiều người nhờ kiếm cách trông nom trẻ em sao cho bớt mệt mà sáng tạo ra
được những kiểu xe, trở nên triệu phú. Chẳng hạn một người chế ra một thứ
“công bi ne dông”
có thể lột ra được như trái chuối, để mỗi khi thay áo cho trẻ
được dễ dàng, mau chóng, khỏi phải bẻ tay, gập chân chúng lại, làm chúng
phải la hét. Nhờ đó, người ấy bây giờ kiếm mỗi năm được 3 triệu Mỹ kim.
Người khác chế một kiểu nắp đậy hộp sữa bằng cao su, vừa kín vừa có chỗ để
rót sữa. Nắp đó được các bà mẹ ở Pháp rất hoan nghênh.
Vậy công việc tự nó không chán, chán hay không là tại ta. Người nào biết
làm công việc cho hóa vui, người đó sẽ sung sướng và giàu có.
TÓM TẮT