9. Tiền tiêu bất thường (thuốc thang, đồ biếu, đồ mừng, phúng...)
10. Tiền may quần áo, mua giày, nón.
11. Tiền thuế.
12. Tiền để dành.
Tất nhiên là sự phân loại và sắp đặt không nhất định phải như vậy. Chẳng
hạn khoản 4 có thể nhập với khoản 3; những khoản 5, 6, 7 có thể thu lại làm
một; khoản 1 có thể chia làm nhiều khoản nhỏ: gạo, thức ăn... khoản 10 có thể
nhập vào những khoản 5, 6, 7, ....
* Khi đã kê những khoản như vậy rồi, bà sẽ tùy theo những tháng trước mà
định cho mỗi khoản tháng này là bao nhiêu tiền.
Có sách định cho gia đình một công chức như sau này:
- Số tiền chợ là 3 phần 10 số lương
- Số tiền nhà là 2 phần 10 số lương
- Số tiền tiêu khiển 1 phần 10 số lương
- Số tiền tiêu bất thường 1 phần 10 số lương
- Số tiền tiết kiệm 1 phần 20 số lương
v.v....
Như vậy thật vô lý. Ông nhà lãnh 5000 đồng, mỗi tháng bà cũng muốn rộng
rãi, mướn ngôi nhà 1000 đồng mỗi tháng (tức 2 phần 10 số lương) nhưng kiếm
không được thì sao? Và giá mướn nhà mỗi nơi một khác, mỗi thời một khác.
Hoặc ông bà đông con quá, chi tiêu 3 phần 10 số lương (tức 1500 đồng) vào
tiền ăn sao đủ? Vợ chồng một anh bạn tôi thường đau vặt, nếu cứ định số tiền
tiêu bất thường là 1 phần 20 số lương thì nhiều khi anh nhức răng hoặc đau bao
tử cũng đành chịu vậy, không dám đi khám bệnh, mua thuốc uống.
Vậy bà không nên nghe theo lời khuyên đó, cứ tùy nhu cầu và số thâu trong
gia đình mà định số xuất cho mỗi khoản.
* Khi đã định số xuất rồi, bà nên lập sổ xuất nhập. Gia đình nào có nhiều lợi
tức thường thay đổi, như chồng dạy học riêng, vợ buôn bán thêm... mới cần lập
một sổ nhập riêng, còn những gia đình công chức, mỗi tháng chỉ có một số
thâu nhất định, thì xuất nhập có thể ghi chung trong một sổ được.