số đó, nghĩa là chưa lãnh phụ bổng, họ đã đi vay thêm nữa, đợi lãnh phụ bổng
rồi trả. Họ không thiếu sáng suốt đâu và vẫn biết rằng như vậy là đem một
phần lương của họ làm giàu cho kẻ khác đấy, nhưng họ không sao bỏ được thói
tiêu tiền đó vì thiếu nghị lực. Họ luôn luôn phải lệ thuộc người khác: khi nên
tài chánh thiếu thốn thì không thể nào tự do được. Có nên thương họ hay
không?
4. Dự tính công việc.
Nhiều bà nội trợ cai quản việc nhà rất khéo mà không bao giờ viết sẵn
chương trình mỗi ngày. Không phải các bà ấy không có chương trình đâu. Vẫn
có đấy, nhưng nó ở trong óc các bà, chứ không phải ở trên giấy. Như vậy bất
tiện, đã mất công phải nhớ, lại dễ quên, nhất là những khi nhiều việc. Cho nên,
theo tôi, chép chương trình lên giấy thì vẫn hơn.
Tôi không thể lập một chương trình kiểu mẫu để giúp bà được vì công việc
mỗi nhà một khác, nhưng tôi có thể chỉ ra vài quy tắc.
Khi lập chương trình làm việc, xin bà tự hỏi những câu dưới đây:
1. Mỗi ngày ta phải làm những gì?
2. Mỗi tuần ta phải làm những gì?
3. Mỗi tháng ta phải làm những gì?
4. Mỗi mùa ta phải làm những gì?
5. Công việc nào ta có thể làm lấy được?
6. Công việc nào nên giao cho người khác? Và giao cho ai?
7. Công việc nào quan trọng nhất, phải làm gấp?
8. Mỗi công việc nên làm vào lúc nào?
9. Mỗi công việc phải mất bao nhiêu thời giờ?
10. Có thể nào thu xếp cho làm được hai công việc một lúc không?
11. Thời giờ nào để nghỉ ngơi?
12. Có dự tính một số giờ để phòng những việc bất thường không?
Bà chép những câu trả lời lên giấy. Chẳng hạn:
Công việc ngày 15 tháng 2: