6. Đo thời giờ của mỗi cử động rồi cộng lại .
7. Nếu có nhiều người làm chung thì phải thu xếp sao cho không có người
nào ngồi không, nghĩa là xong công việc này thì có công việc khác ngay, khỏi
phải chờ đợi nhau.
8. Có khi muốn thay đổi vài cử động, phải thay đổi luôn cả dụng cụ, trong
trường hợp đó, phải tính rốt cuộc lợi hay hại, phí tổn giảm hay tăng.
9. Phải chiêm nghiệm kỹ lưỡng vì có nhiều cách mới xét tưởng hơn mà kỳ
thực thì rắc rối hoặc tốn kém.
Qui tắc là vậy, nhưng nhiều khi bà không cần theo đúng và có thể bỏ những
công việc ghi trong số 2 và số 6.
CHƯƠNG VIII - NÊN GIẢN DỊ
1. Đời sống giản dị của cổ nhân.
2. Khoa học luôn luôn tìm cách giản dị hoá các hoá phẩm.
3. Chúng ta nên sống giản dị.
1. Đời sống giản dị của cổ nhân.
Một ông bác tôi thương tôi như con. Cha tôi mất hồi tôi 8 tuổi. Mẹ tôi trọng
đạo Nho, nghỉ hè nào cũng cho tôi về quê ở với bác tôi hơn một tháng để học
chữ Nho, hầu sau này “đọc được gia phả bên nội bên ngoại” như lời người nói,
cho nên trong 3 năm, hè nào tôi cũng về một làng hẻo lánh ở Sơn Tây, ê - a bộ
Hán tự tân thư. Nhưng tôi thích nhất là bắt chuồn chuồn, châu chấu và đi chơi
với bác tôi.
Chúng tôi đi khắp cánh đồng từ Chiểu Dương, La Phẩm tới Thanh Mai, Phú
Xuyên, gặp chùa miếu nào cùng vào thăm, ngôi mộ cổ nào cũng ngừng bước.
Một lần bác tôi dắt tôi đi coi ngôi mộ cụ Lê Anh Tuấn làng Thanh Mai. Mộ
ở trên một con gò, giữa cánh đồng chiêm bát ngát. Người ta nói nhà cụ được
một kiểu đất nên cụ rất thông minh, nổi tiếng thần đồng từ hồi nhỏ, sau khi đậu
tiến sĩ, làm tới chức Tham tụng (tức như Tể tướng) dưới thời Trịnh Cương
.